Menu
20 năm dấn bước 20 mùa ước mơ

Chúng tôi hẹn gặp Cha vào một buổi chiều cuối tuần, trước 1 ngày khi lệnh giãn cách theo chỉ thị 15 và 16 được ban hành trong toàn thành phố. Nhà thờ đóng cửa im ỉm, khoảng sân nhà thờ dường như rộng hơn, vắng vẻ hơn, không khí vắng lặng hơn mọi ngày khi thiếu các sinh hoạt thường nhật. Chỉ có cánh cửa phòng làm việc của Cha vẫn đang mở, nhìn xuyên qua giàn dây leo phía trước, Cha đang ngồi điềm tĩnh, bình thản ghi chép trên cuốn sổ nhỏ đặt trên bàn. Khung cảnh ấy vừa đủ lắng đọng để một người ngồi đó, tóc đã điểm hoa râm, trầm tư nhớ lại quãng đời đã qua; cũng vừa đủ yên bình để chúng tôi ngồi đó, lắng nghe hành trình 20 năm của vị Cha già. Và rồi, câu chuyện về những lặng trầm trong đời mục vụ của Cha cứ thế trôi về…

Nhân vật chính trong câu chuyện ấy là linh mục Gioan Lê Quang Việt, người thầy, người bạn của rất nhiều thế hệ giới trẻ, đặc biệt với những lớp trẻ thuộc Tổng Giáo phận Sài Gòn. Cha hiện là Chánh xứ giáo xứ Tân Phước, linh mục đặc trách giới trẻ TGP Sài Gòn, đồng thời cũng là thư kí của Ủy ban Mục vụ Giới trẻ và Thiếu nhi (trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam).

Ngược về quá khứ, chàng thanh niên 25 tuổi khi ấy vừa tốt nghiệp ngành Sư phạm Hóa, bắt đầu bước vào những ngày đầu tiên của đời sống tu trì. Ngót nghét hơn 12 năm học tập và sinh hoạt trong Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, đến năm 1999, vào ngày lễ Đức Mẹ lên trời năm ấy, vị linh mục trẻ được nhận bài sai làm Cha phó giáo xứ Chợ Quán (quận 5) và sinh hoạt trong các mục vụ thiếu nhi tại giáo xứ. Lúc ấy, Cha chưa thực sự nghĩ đến việc sau này sẽ tham gia các hoạt động giới trẻ, và cũng chưa thật sự hình dung được, quãng đời sau này của mình sẽ gắn bó với người trẻ như bây giờ. Nhưng chính nơi ấy là cái nôi cho những khởi đầu, cùng một số nhân sự đầu tiên của mục vụ trẻ.

Cũng trong năm ấy, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II gởi sứ điệp nhân ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 14 (Chúa Nhật Lễ Lá 28/03/1999), đồng thời Ngài cũng khởi xướng năm Thánh 2000, đặc biệt với những chuẩn bị cho người trẻ toàn thế giới bước vào ngàn năm thứ ba. Trong bầu khí háo hức của toàn nhân loại trước thềm thiên niên kỷ mới, theo lời kể của Cha, các linh mục và nhiều vị đang đồng hành với người trẻ như Cha Gioan Nguyễn Văn Ty (Nguyên Giám tỉnh dòng Donbosco); các Cha Giuse Lê Quang Uy, Giuse Tiến Lộc dòng Chúa Cứu Thế; Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền (bấy giờ đang phụ trách Mục vụ Giới trẻ TGP Sài Gòn),… cũng đều đặc biệt quan tâm đến các hoạt động giới trẻ tại Việt Nam, cách riêng tại TP.HCM. Một ngày nọ, Cha nhận được cú điện thoại từ Cha Hiền, nhờ Cha phụ trách mục vụ giới trẻ trong một thời gian. Vị linh mục trẻ khi ấy, vừa mới chân ướt chân ráo rời Chủng viện về giáo xứ, không chắc mình có thể đảm đương sứ vụ này. Nhưng vì đức vâng lời và tinh thần luôn sẵn sàng trải nghiệm, Ngài đã nhận lời và bắt đầu hành trình mới từ ngày ấy.

Ngồi đó trước bàn làm việc, trong căn phòng nhỏ được chia thành 2 gian, xung quanh là những chồng tài liệu, sổ sách, giữa tiếng quạt chậm đều, vị Cha già nay đã bước vào tuổi ‘hoa giáp chi niên’ hồi tưởng lại thời trai trẻ của mình:

“Lúc ấy Cha nghĩ rằng mình chỉ là ‘cascadeur’ một thời gian cho Cha Hiền, chứ không hề nghĩ cuộc đời mình sau này sẽ gắn bó với người trẻ đến tận hôm nay”.

Nhìn cách Cha vừa kể chuyện, vừa lật lật từng trang trong cuốn số nhỏ, chốc chốc lại nâng lên đặt xuống hai cây bút bi đặt trên bàn, có lúc dựa lưng vào ghế, nhìn xa xăm vào một khoảng không vô định, khiến tôi có cảm tưởng, Cha kể chuyện cho chúng tôi nhưng dường như đang trầm tư nói với chính mình. Chúng tôi trở thành những kẻ lắng nghe vô hình, còn Cha hôm nay, có dịp được trải lòng và ngẫm nghĩ về một chặng đường dài đằng đẵng đã qua. Cuộc điện thoại bất ngờ năm ấy đã bắt đầu cho một sứ mệnh, Cha gọi đó là ơn gọi phục vụ người trẻ. Với Cha, đó là một ơn gọi đặc biệt. Vì vậy, về sau này, Cha cũng thực sự hứng thú với các chủ đề liên quan đến phân định ơn gọi, và luôn quan tâm đến việc giúp người trẻ nhận ra ơn gọi của mình.

Nếu cuộc đời là một bản nhạc, thì hành trình mục vụ của Cha là một bản tình ca gồm những nốt thăng, nốt trầm, lắm lúc cao trào, sôi nổi, nhưng đôi khi có cả những đoạn không lời giữa khuông nhạc. Có thể nói, những giai đoạn của mục vụ giới trẻ TGP Sài Gòn cũng chính là từng chặng đường thăng tiến trong quá trình học hỏi và phát triển của Cha.

Từ những ngày đầu, luồng gió mới của ngàn năm thứ ba đã thúc đẩy Cha dấn thân và đồng hành cùng người trẻ. Giai đoạn Tìm kiếm và khám phá bắt đầu với duy nhất một chữ “ĐI”. Trước mắt chúng tôi lúc này là một vị linh mục dường như đang trẻ lại, hào hứng kể về những chuyến đi của mình:

“Ai rủ đi đâu Cha cũng đi, một phần vì tính cách thích phiêu lưu trải nghiệm, một phần khác, Cha cũng muốn được hiểu bạn trẻ nhiều hơn”.

Đặc biệt, Cha luôn tìm cách để tham gia các buổi hội thảo về giới trẻ với những bài học bổ ích. Thế nhưng, kỷ niệm đầu tiên của Cha lại là một lần… đi hụt; cũng vì vậy mà nó trở nên đáng nhớ. Đó là dịp Đại hội Giới trẻ Châu Á tại Hồng Kông (AYD4). Ban đầu, Cha chỉ tham gia chuẩn bị cùng cả đoàn, nhưng Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh (bấy giờ đang phụ trách Ủy ban Mục vụ Giáo dân) mời gọi Cha đi Hồng Kông với tư cách người tham dự chính thức. Với tính cách của Cha, đó là một cơ hội thật tốt khó bỏ qua. Nhưng thời điểm lúc ấy khá gấp, cùng với những trở ngại về thủ tục xin visa, kinh phí, cùng các công việc mục vụ khác tại Việt Nam đã không cho phép Cha nắm lấy cơ hội. Sau lần đó, một trong những bài học mục vụ được rút ra từ chính câu chuyện của mình, Cha chia sẻ với chúng tôi:

“Người trẻ nên nắm bắt cơ hội của mình, vì nếu không thực sự sẵn sàng, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều thứ”

Hai năm sau, một sự kiện khác đã đánh dấu cột mốc quan trọng trong chặng đường phục vụ của Cha: Đại hội Giới trẻ Thế giới lần thứ lần thứ 23 (WYD23) tổ chức tại thành phố Sydney, nước Úc. Đó là dịp quy tụ người trẻ từ nhiều Giáo phận khắp Việt Nam, cùng mang bản sắc Việt Nam ra thế giới. Có thể nói là đợt có nhiều người tham gia nhất tính đến thời điểm ấy. Riêng với Cha, lần đầu tiên vị linh mục trẻ bước chân lên máy bay ra nước ngoài, với những hăm hở, nồng say, cùng khát khao và nhiều dự tính dành cho người trẻ, Cha đã học được rất nhiều bài học về cách tổ chức đại hội, kinh nghiệm quản lý các nhóm trẻ. Những năm sau đó, Cha cùng các bạn trẻ tiếp tục tham dự một số sự kiện khác, mỗi lần luôn cố gắng thu lượm những “hạt vàng tinh túy”, mang về áp dụng vào các hoạt động mục vụ tại giáo xứ và giáo phận. Cũng có đúng, có sai, có thành công, thất bại, nhưng với Cha, đó là những kinh nghiệm của việc “thử và sai”. Cha luôn sẵn lòng đón nhận và xem nó như những thách đố cần vượt qua. Hành trình tìm kiếm và khám phá khép lại cùng bài học quý giá từ những chuyến đi, làm tiền đề cho thời kỳ vững tiến sau này.

Trở về với “ao hồ nhỏ bé” của mình ở TGP Sài Gòn, một cách khiêm tốn, Cha luôn cố gắng gìn giữ, duy trì và phát huy những thành quả trước đó. Giai đoạn Định hình hướng đi là những ngày tháng cùng người trẻ làm việc. Cha trở nên khắc khoải, bồi hồi khi nhắc đến những cái tên quen thuộc như Huy Phương, Đình Anh, Xuân Thu, chị Nga, anh Hoàng Thái, anh Điềm, chị Thanh Vân, nhạc sĩ Lê Đức Hùng,… cùng nhiều anh chị khác là những thành viên đời đầu cùng Cha gách vác công việc mục vụ giới trẻ. Có rất nhiều sự kiện đã diễn ra trong giai đoạn này. Một trong những điểm nhấn là chương trình Đại hội Giới trẻ TGP được tổ chức 2 năm một lần tại Trung tâm Mục vụ. Các “workshop” tại đại hội cũng là một sự vận dụng từ lần tham dự Đại hội Giới trẻ Châu Á tại Philippines (AYD5). Hàng ngàn bạn trẻ khắp Giáo phận đều nhớ về những ngày quy tụ mùa Chay và mùa Vọng mỗi năm. Đến nay, Đại hội Giới trẻ cấp Giáo phận vẫn được duy trì hàng năm với sự đầu tư kỹ lưỡng về ý tưởng cùng những chuẩn bị rất công phu, đáp ứng nhu cầu được giao lưu, học hỏi và là sân chơi cho bạn trẻ trong thời đại mới.

Cha cũng khẳng định vai trò chủ động của người trẻ, từ đó luôn thúc đẩy, tạo điều kiện cho bạn trẻ được làm việc cùng nhau và nói lên tiếng nói của mình. Từ những ngày đầu, nhận thấy tầm quan trọng đó, Cha đã quy tụ nhiều bạn trẻ là những “trainer” đang tham gia đào tạo nhân sự tại nơi làm việc của họ, sẵn sàng cộng tác với Cha để cùng chia sẻ, trao đổi và học hỏi lẫn nhau về kinh nghiệm mục vụ. Cùng thời gian này, nhiều nhóm trẻ cũng được hình thành theo nhu cầu thực tế và sở trường riêng của nhóm. Có thể kể đến nhóm Linh hoạt viên, đảm nhận việc đào tạo các bạn trẻ hăng say trong việc sinh động nhóm, loan báo Tin mừng thông qua việc thực hành các kỹ năng đội nhóm. Câu lạc bộ Lửa Hồng là một trong những nhóm quy tụ nhiều nhạc sĩ, đem Chúa đến với người trẻ qua các ca khúc trẻ trung, gần gũi. Càng về sau, mục vụ giới trẻ phát triển cùng sự nở rộ không ngừng của nhiều nhóm trẻ như Taizé, Sinh viên Công giáo Sài Gòn, học bổng Tôma Thiện và hàng loạt các nhóm quy tụ sinh viên, người di dân từ các tỉnh lẻ lên thành phố sinh sống.

Thấy được vai trò và tầm ảnh hưởng của các sự kiện quốc tế, Cha luôn tìm kiếm nhiều cơ hội để mời gọi bạn trẻ Việt Nam tham gia các hội thảo, đại hội, ngày giới trẻ,... Không những vậy, từ những lần gặp gỡ, giao lưu và học hỏi, Cha đã tạo được một mạng lưới kết nối giữa giới trẻ Việt Nam với khu vực Châu Á và toàn cầu. Đi đến đâu, Cha cũng được mọi người quý mến vì sự trẻ trung, thân tình và hết sức tận tâm của Ngài. Nhớ có lần vào năm 2019, tôi có dịp đi cùng Cha trong một kỳ đại hội. Trời đã chập choạng tối nhưng khí trời vùng Nam Mỹ vẫn còn oi bức, từng đoàn hành hương đang lũ lượt rời khỏi bờ biển sau giờ ngắm Đàng Thánh giá. Cha Việt với cây gậy, bước chân đã có phần tập tễnh vì đi bộ quá nhiều, vừa choàng chiếc khăn rằn mang theo từ Việt Nam, vừa mồ hôi nhễ nhại, Cha vừa theo dõi tin nhắn trong điện thoại để tìm đến điểm hẹn với một nhóm trẻ Hàn Quốc. Cha có hẹn hội ngộ với họ từ lần Đại hội Giới trẻ Châu Á ở Hàn Quốc năm 2014. Hai bên gặp nhau qua song chắn phân chia làn đường, cả nhóm đã hò hét reo mừng khi nhìn thấy Cha tận đằng xa. Tôi không tài nào diễn tả được cảm xúc của mình lúc đó. Một chút ngưỡng mộ, một chút rưng rưng và cả một chút ghen tị. Đám trẻ chúng tôi hôm ấy, cứ thế đứng từ xa nhìn ngắm khoảnh khắc xúc động giữa biển người.

Năm 2018, Đức Thánh Cha đã khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XV với chủ đề “Người trẻ, đức tin, và sự phân định ơn gọi”. Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô sống ra đời vào tháng 3/2019 là kết quả của Thượng Hội đồng, trở thành kim chỉ nam cho các hoạt động giới trẻ và mục vụ ơn gọi trong Giáo hội. Trong dòng chảy ấy, mục vụ giới trẻ tại Việt Nam cũng bước vào giai đoạn Phát triển dưới ánh sáng của Tông huấn với các mục tiêu và giá trị được định hướng rõ ràng hơn.

Được sự quan tâm của các linh mục trong Giáo phận, Mục vụ Giới trẻ tiếp tục mở các khóa đào tạo linh hoạt viên, hiện tại vẫn duy trì 2 khóa mỗi năm. Bên cạnh đó, chương trình Lead like Jesus cũng được thực hiện hàng năm (tiền thân của Hành trình Emaus hiện tại). Gần đây nhất, nhóm ADKAR (trước đây là nhóm các “trainer" trẻ) ra đời để tiếp tục sứ mệnh ban đầu trong việc đào tạo nhân sự mục vụ. Nhiều nhóm trẻ khác vẫn tiếp tục duy trì phát triển, cũng có nhiều nhóm mới được khai sinh dưới sự hướng dẫn của những người đồng hành, với những hoạt động sôi nổi. Có lẽ điều Cha tâm đắc nhất là sự hình thành của nhóm các dịch giả trẻ. Sau những lần tham dự Đại hội Giới trẻ ở nước ngoài, nhu cầu giao lưu và kết nối quốc tế ngày càng tăng cao, Cha đã quy tụ nhóm các bạn trẻ có khả năng sinh ngữ, tham gia dịch sách cùng các tài liệu liên quan đến người trẻ. Đây là một trong những bước tiến của mục vụ giới trẻ trong thời hiện đại.

Cha cũng mạnh dạn đề xuất nhiều chương trình, áp dụng nhiều công nghệ mới vào sinh hoạt. Điều này hoàn toàn phù hợp với thời đại để bắt kịp xu thế. Cha nhận định, người trẻ rất nhiều sáng kiến. Từ những ngày đầu tiên đến hiện tại, Cha luôn nhìn thấy sự cố gắng và sáng tạo không ngừng của các nhóm trẻ, tạo sự phong phú trong sinh hoạt. Cha nhớ lại thời kỳ các nhóm tạo “group mail” để liên lạc, quảng cáo chương trình bằng “poster” in trên giấy A4, những buổi hội họp trực tiếp. Nhiều năm sau, Đại hội Giới trẻ tại Giáo phận bắt đầu áp dụng hình thức quét mã QR thay cho vé giấy, thực hiện các hội thảo online, “live stream” các buổi nói chuyện để ứng phó trong mùa dịch,… Dù ở thời nào, Cha cũng đều nhìn nhận một điều: “Người trẻ là hiện tại của Thiên Chúa”. Trong vai trò là người đồng hành, Cha luôn chào đón, ủng hộ ý tưởng của các bạn. Như bắt được kho báu, Tông huấn Christus Vivit giúp Cha bám vào đó để thực hiện nhiều sáng kiến và hoạt động mục vụ. Điều gì sẽ xảy ra khi khát khao cháy bỏng của tuổi trẻ được kết hợp với sức mạnh của Chúa? Hành trang của người mục tử từ đó ngày càng có thêm nhiều kinh nghiệm và kỷ niệm đáng nhớ.

Nhìn lại chặng đường đã qua, song hành với sự phát triển là nhiều trở ngại khiến người môn đệ Chúa không ít lần cảm thấy nao núng. Người trẻ luôn hăng say, nhiệt huyết, đầy sức sống và khát khao theo đuổi lý tưởng. Nhưng lắm lúc, người trẻ cũng bồng bột, ngông cuồng. Việc đồng hành với người trẻ là một bài toán khó, cần nhiều cách giải. Chứng kiến sự ra đời, phát triển, thậm chí có lúc mâu thuẫn, thiếu cộng tác hoặc cả những giai đoạn đổ vỡ, tan rã của các nhóm, Cha chọn cách luôn hỗ trợ các bạn trong mọi tình huống. Tôi may mắn được làm việc với Cha trong một vài dịp, ý kiến của Cha luôn là “Các bạn cứ làm đi!”, “Ý này hay đấy!” hoặc “Các bạn cứ suy nghĩ thêm xem sao”,… Cách ứng xử của Cha thể hiện đúng tính cách ôn hòa, nhẫn nại, kiên trì của Ngài trước những “giông bão” trong cảm xúc của người trẻ.

20 năm nhiều đổi thay thăng trầm, một trong những điều mà vị linh mục, tưởng chừng như luôn có người trẻ xung quanh, phải trải qua là cảm giác cô đơn khó tránh khỏi trong đời phục vụ. Nhiều nhóm sau khi đã phát triển, có thể đứng vững trên chính đôi chân mình, đọng lại trong lòng người mục tử là một thứ gì đó mất mát, trống vắng đến khó tả. Người trẻ đã có thể tự tin vươn mình vào thế giới, còn mình chỉ đứng phía sau và đôi khi, họ không thuộc về mình nữa. Những lúc ấy, người môn đệ của Chúa luôn sẵn sàng chấp nhận mờ nhạt đi, để người khác được lớn lên, như một quy luật bất biến của cuộc sống. Trên hành trình Emaus, Chúa cũng đã từng biến đi khi hai môn đệ nhận ra Ngài. Cánh đồng truyền giáo cần rất nhiều chân dung như thế.

Khi được hỏi về điều nuối tiếc nhất của Cha trong suốt hành trình phục vụ, có lẽ với Cha, đó là những ngày đầu tiên đi với người trẻ. Trở lại 20 năm trước, nếu Cha được chuẩn bị kỹ hơn, có nhiều dịp học hỏi về mục vụ giới trẻ, có lẽ Cha sẽ tự tin hơn từ những bước đầu. Cũng từ đó, Cha luôn nhắn nhủ các bạn trẻ ngày nay đừng ngại làm mới mình mỗi ngày. Nhưng ngẫm lại, cũng trong những ngày đầu ấy, Cha biết ơn Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn và Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền đã giao cho Cha một “bài sai” ngoài dự tính, nhưng lại trở thành sứ mệnh của Cha suốt cuộc đời.

Câu chuyện về cuộc đời của vị linh mục ngồi trước mắt tôi lúc ấy như một cuốn phim quay chậm về hành trình lớn lên và sinh hoa kết quả của một vườn cây, mà ở đó, người gieo trồng, chăm sóc chính là Cha Gioan. Trong một khoảnh khắc, tôi buột miệng hỏi: Nhìn Cha có vẻ suy tư hơn khi nhắc về hiện tại, có phải Cha còn điều gì trăn trở hay băn khoăn vì chưa làm được cho giới trẻ? Cha nhìn lên trần nhà một lúc, rồi nhìn xuống chúng tôi trìu mến: "Thật ra sáng nay trong lúc cầu nguyện, Cha cũng nhìn ngắm lại hành trình của mình, tuy nhiều người đều nhận thấy, Cha già hơn, yếu hơn, nhiều việc hơn, nhưng với Cha, mọi sự đang dần đi vào quỹ đạo của nó, nên trong lời cầu nguyện, Cha lại cảm thấy chính mình bình an hơn". Một điều gì đó chợt vỡ ra trong đầu của cô phóng viên trẻ. Có lẽ “tấm chiếu mới trải” của người trẻ chúng tôi đã quá vội vàng khi kết luận.

Cơn mưa chiều đổ xuống bất ngờ, đứng dưới mái hiên nhà thờ, tôi vẫn còn nhìn thấy hình ảnh vị Cha già suốt một đời hy sinh lặng thầm cho người trẻ. Sẽ có nhiều thế hệ nối tiếp và Cha luôn trong tâm thế sẵn sàng cho sự chuyển giao ấy. Tôi chợt nhớ lại lời dặn của Cha vài phút trước, người trẻ hãy kết nối với nhau, cùng chờ nhau và hăng say lên đường, như lời của Đức Giáo hoàng Phanxico: “Cha muốn một Hội thánh ra đi truyền giáo nhiều hơn, một Hội thánh không quá tĩnh lặng. Một Hội thánh xinh đẹp khi biết ra đi”.

Bài viết : Nguyên Nhi
Thiết kế : Nguyễn Linh
Hình ảnh : MVGT Sài Gòn, O-team