Menu
Chia sẻ những câu chuyện

Chúng ta ai cũng có những câu chuyện và bí mật của riêng mình. Và thường nghĩ rằng tốt hơn hết nên giữ kín chúng trong lòng để không ảnh hưởng đến ai, và cũng vì chắc sẽ không có ai quan tâm. Nhưng thật ra, nếu bạn không chia sẻ, bạn sẽ không bao giờ biết chúng sẽ có hiệu ứng thế nào. Đừng ngại chia sẻ những câu chuyện của bạn, vì biết đâu đó là những câu chuyện mà những người quanh bạn đang tìm kiếm

Đó là tiếng nói thì thầm nào đó thỉnh thoảng thôi thúc mình. Hôm nay, nó lôi mình dậy ngồi vào máy và viết, thay vì để mình ôm cuốn sách ưa thích, cuộn trong chăn, vừa đọc vừa nghe gió đông xào xạc ngoài vườn trong những ngày nghỉ hiếm hoi này.

Những câu chuyện thì ai cũng có. Nhưng có người chọn chia sẻ, có người chọn lặng lẽ. Mình thì sẽ chọn lặng lẽ như cái bản chất của mình, cho yên thân. Nhưng tiếng nói nào đó cứ thì thầm:

- Ta cho ngươi chút khả năng viết lách, cớ sao ngươi lại chẳng làm lợi gì từ nó?

- Thưa Ngài, con đã viết mỗi bài 3500 từ, mỗi môn 2 bài, mỗi học kỳ 4 môn, vị chi cứ mỗi 3 tháng con đã chẳng viết 28.000 từ là gì. Toàn thứ hàn lâm khó nuốt. Con viết vậy giỏi rồi.

- Đó là việc của con. Hãy viết thêm một chút cho việc của ta.

- Thôi được. Con nể Ngài lắm con mới làm. Mà con viết chẳng ai thèm đọc và like thì lần sau Ngài để con yên.

- Ừ, deal.

Vì tụi nó là người Công giáo

Mình đang làm việc cho một ông người Úc. Trước đây, ông là một nhà khoa học về dịch tễ, từng đến Việt Nam hỗ trợ y tế. Hiện tại ông đang kinh doanh và rất thành công. Khoảng 6 tháng trước, vợ ông, một người Việt, đã bỏ cha con ông trở về Việt Nam, để lại hai thằng con, đứa 5 tuổi, đứa mới 1 tuổi. Lúc vợ ông đi, cha con ông sốc và bệnh cả tháng. Vì vậy, ông cần người giúp việc nhà, dạy học cho con và chơi với chúng. Trong lần nói chuyện đầu tiên, mình bảo, mình cũng là người Việt Nam, ông không cần phải nhận mình vào làm nếu điều đó nhắc ông về kinh nghiệm đau buồn trong quá khứ.

Ông bảo mỗi người mỗi khác, ông không chắc ông còn tin người Việt lần nữa, nhưng ông cứ để mình làm thử. Lúc ấy, mình đã có công việc khác ở trường, nhưng còn chút giờ trống, và thấy thương mấy đứa nhỏ. Mình đã cầu nguyện “nếu Chúa muốn thì con làm”. Lúc nhận việc, mình định nói với ông “nếu một người Việt Nam làm chuyện không tốt với gia đình ông, thì hãy để một người Việt Nam khác làm điều gì đó tốt”. Nhưng mình đã không nói, mình nghĩ nên dùng việc làm thì tốt hơn.

Mình cố gắng làm thật tốt, nhiều hơn điều họ muốn, với tất cả sự trung thực, trách nhiệm và tình yêu. Những ngày nghỉ, mình rủ chồng theo để chơi với tụi nhỏ. Anh mê con nít và cũng giỏi chăm con nít. Ông muốn trả thêm tiền cho mình vì số giờ ngoài thoả thuận, nhưng mình chỉ nhận ở mức thoả thuận. Mình muốn điều gì đó nhiều hơn sự công bằng. Mình nghĩ cuộc đời mình đã nhận quá nhiều may mắn, nên một chút cho đi chẳng đáng gì. Ông là một ông bố tuyệt vời vì cách ông chăm con, chơi với con vừa như bạn, vừa như thầy, vừa như cha, vừa như mẹ. Nghe ký ức đau buồn của đứa con về người mẹ mỗi lần nó kể, mình nghĩ mình đang giúp đúng người.

Một ngày nọ, mình bảo phải về sớm để đi lễ Tro. Ông mới biết mình là người Công giáo (còn ông thì không). Ít tuần sau ông kể:

- Tao gọi điện cho ba tao ở Queensland, tao nói vợ chồng bay đàng hoàng dễ thương. Không như một số người Việt khác tao từng gặp. Tao kể ba tao vợ chồng bay là người Công giáo. Ba tao nói, vậy thì phải rồi, tụi nó là người Công giáo nên tụi nó dễ thương.

- Mình muốn nói rằng, còn rất nhiều người Việt tốt lành chắc ông chưa có duyên gặp, nhưng cũng không nói. Hôm ấy đi làm về, mình thấy rất vui. Vậy là mình không hoàn toàn vô dụng trong việc của Chúa như mình nghĩ.

Mới tuần trước ông lại bảo:

- Hay là cứ chủ nhật tụi bay đi nhà thờ tụi bay dắt thằng con tao đi với.

- Ừ, cũng được.

Phần thưởng cho một chút cố gắng nhỏ nhoi, một chút vâng lời, luôn nhiều gấp bội. Mình nhận được nhiều sự tin tưởng và rất nhiều niềm vui. Cảm giác mỗi lần ra về, lái xe khỏi cổng một đoạn xa, quay lưng lại thấy 2 đứa con nít thập thò ở cổng nhìn mình về, hay việc tụi nhỏ hái sẵn hoa đặt lên chiếc xe đồ chơi đứng ở cổng chờ mình tới để 'bán', như thế này thật hạnh phúc.

Có thể công sức của mình chẳng là gì, nhưng nhờ đó Chúa làm việc của Ngài dễ dàng hơn.

Bài viết : Sóc Nâu
Trình bày : Ban Biên tập