Menu
Nhà thờ Cha Tam

Trong lòng khu Chợ Lớn sầm uất và tấp nập, giữa những sạp chợ, những ngôi chùa, đình miếu nổi tiếng, hòa trong tiếng nói cười của ngôn ngữ Hoa – Việt xen kẽ, có một ngôi nhà thờ Công giáo nằm yên bình - nhà thờ Cha Tam. Tọa lạc tại số 25, đường Học Lạc, phường 14, quận 5, TP Hồ Chí Minh, đây là một trong những ngôi nhà thờ độc đáo với lối kiến trúc Á – u và tuổi đời cũng đã ngót nghét hơn 100 năm.

Thăng trầm lịch sử

Với sự giúp đỡ từ người dân, Cha Tam đã tìm mua được một khu đất rộng chừng 3 mẫu ngay trung tâm Chợ Lớn để xây dựng nhà thờ. Ngày 3/12/1900, lễ Thánh Francisco Xavier, Đức Cha Lucien Mossard (còn gọi là Cha Mão) đã cử hành thánh lễ đặt viên đá đầu tiên. Tên chính thức của nhà thờ cũng là nhà thờ Thánh Francisco Xavier. Chỉ sau 2 năm xây dựng, lễ Cung hiến Thánh đường diễn ra trọng thể vào ngày 10/01/1902. Người đứng ra xây dựng nhà thờ không ai khác chính là Cha Tam, ngài cũng là cha sở đầu tiên, nên còn có tên gọi khác là nhà thờ Cha Tam. Sau khi xây dựng nhà thờ, Cha còn xây dựng thêm một trường học, một nhà trẻ, một nhà nội trú và một số nhà ở cho thuê. Từ dạo ấy, người Hoa theo đạo Công giáo đã có nơi cầu nguyện và hành lễ. Lượng giáo dân tăng lên đến khoảng 400 người. Với những công sức đóng góp cho nhà thờ, sau khi qua đời, Cha Tam được chôn cất bên cạnh cổng chính vào nhà thờ.

Sau khi Cha mất, những khó khăn trong công cuộc truyền giáo vẫn tiếp tục, nhưng với sự cố gắng của các vị thừa sai, các linh mục, về sau đời sống đạo của giáo dân khởi sắc trở lại. Tháng 3.1975, Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình đã ký lệnh giao trách nhiệm cho các cha tại nhà thờ Francisco Xavier trực tiếp quản lý, điều hành tất cả các nhà thờ và cơ sở tôn giáo người Hoa tại miền Nam Việt Nam.

Giao thoa kiến trúc

Ngay sau cổng vào nhà thờ Cha Tam chính là đền thờ Đức Mẹ được thiết kế như vọng lâu. Các cột sơn son thếp vàng có câu đối, phía trên mái có treo lồng đèn trang trí. Ngói lưu ly là một loại ngói phổ biến trong kiến trúc Á Đông, đây cũng chính là loại ngói được dùng để lợp mái cổng vào và phần mái đền thờ Đức Mẹ. Phía sau đền là hai bức phù điêu lớn: một bức họa 107 vị Thánh Tử đạo Việt Nam, bức còn lại họa 110 vị Thánh Tử đạo Trung Hoa.

Bên cạnh đó, triết học Trung Hoa cũng được sắp đặt khéo léo. Một số chi tiết được kết hợp có chủ ý bởi các quy tắc âm – Dương, Ngũ hành và Yi Jing. Trên phần ngọn tháp cao nhất có hình bát giác với tám cửa sổ và mái nhà được chia thành tám phần tương ứng, đại diện cho 64 quẻ của Yi Jing.

Nét kiến trúc Gothic thể hiện ở các lối vào và bên trong nhà thờ. Cung thánh thu hút không phải vì nét đẹp lộng lẫy kiêu sa mà chính là bốn cây cột được sơn màu đỏ – màu đại diện cho hạnh phúc, sắc đẹp, thành công và may mắn trong văn hóa Á Đông. Hai tấm liễn được sơn son thiếp vàng, chạm chữ màu đen được treo hai bên cột của Thánh giá Chúa Jesus. Như các nhà thờ Công giáo khác, nhà thờ Cha Tam cũng có những ô kính màu diễn tả những sự kiện, biến cố trong Kinh Thánh.

Cửa sổ, ô hộc, cột trụ được thể hiện bằng nhiều đường cong hình cung nhọn mang phong cách phương Tây. Tuy nhiên, các họa tiết trên cột, cửa sổ lại mang hình hoa sen cách điệu, đậm nét phương Đông.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, nhà thờ Cha Tam vẫn đứng vững uy nghiêm. Nếu có dịp, bạn hãy thử một lần lạc bước vào ngôi nhà thờ đặc biệt giữa phố Hoa nhộn nhịp và cảm nhận thời gian trôi đi. Mình tin chắc rằng bạn sẽ không cảm thấy thất vọng đâu!