Menu
9 lí do vì sao tân sinh viên không thích ở lưu xá

Sau kỳ thi tốt nghiệp cấp 3, bên cạnh những mối lo như con mình sẽ học trường đại học nào, học phí bao nhiêu, đi lại thế nào,… nhiều phụ huynh còn phải lo tìm một nơi ăn ở an toàn, chi phí rẻ, được chăm lo về đời sống đạo đức, có cơ hội giao lưu học hỏi,... Môi trường lưu xá gần như đáp ứng được hầu hết những mong muốn đó. Chỉ riêng TP HCM (TGP Sài Gòn) đã có hơn 20 lưu xá lớn nhỏ dành cho các sinh viên nam nữ. Nhiều lưu xá cần phải ghi danh trước 1 năm. Một số khác, nếu muốn được nhận, còn cần phải vượt qua vòng phỏng vấn. Tuy nhiên, vẫn có một sự thật là, không phải sinh viên nào cũng muốn ở lưu xá, hoặc chỉ chấp nhận ở lưu xá theo kiểu “tạm bợ” vì sự sắp xếp của gia đình.

Trong bài viết này, tôi chia sẻ với bạn 9 lí do vì sao tân sinh viên không thích ở lưu xá. Có thể một số “góc khuất” của lưu xá sẽ lộ diện, một cách ngẫu nhiên không sắp xếp, qua lăng kính của một cựu sinh viên từng ở lưu xá, hiện đang làm việc trong môi trường giáo dục; và có thể, bạn sẽ có thêm thời gian suy nghĩ, cân nhắc trước khi quyết định bước chân vào lưu xá.

Tất cả sinh hoạt trong lưu xá đều có lịch trình cụ thể: giờ thức dậy, ăn sáng, làm việc, học hành, giờ đi học, giờ về, giờ đọc kinh tối, giờ ngủ,... Ngay cả thời khóa biểu ở trường của bạn, đôi khi cũng được quản lí. Thật mất tự do khi bị “theo dõi” từng đừng đi nước bước như vậy.

Nhưng theo một cách nghĩ khác, bạn sẽ luyện tập được thói quen sắp xếp thời gian, làm việc có kế hoạch, có chế độ sinh hoạt phù hợp. Những điều này sẽ giúp bạn tự tin khi đối mặt với hàng tá deadline sẽ gặp ở giảng đường đại học, hoặc trong môi trường công sở sau này.

Bên cạnh vấn đề thời gian, bạn còn phải tuân thủ nhiều quy định khác. Bạn không được về quá trễ, không được qua đêm bên ngoài nếu không có sự đồng ý của phụ huynh. Chưa kể đến việc, không ít sinh viên muốn đi làm thêm để cải thiện thu nhập. Thông thường, việc làm thêm của bạn chỉ được “duyệt” nếu bạn làm gia sư, vì tính chất an toàn và ổn định của nó. Những công việc khác sẽ khó nhận được sự cho phép. Kế hoạch vui chơi của bạn cũng nằm trong tầm mắt, tầm tay của các vị đồng hành. Nếu là nữ, đôi khi bạn còn bị “chỉnh” về trang phục hoặc phong cách ăn mặc.

Chỉ nghe kể sơ, có lẽ tân sinh viên đã cảm thấy “đời không như là mơ”. Giữa chốn phồn hoa đô hội lại có những nơi bó buộc con người ta với những quy định khắt khe như thế. Cuộc sống quá khắc nghiệt!

Nhưng cũng ở nơi đô hội ấy, có nhiều vấn đề phức tạp có lẽ các tân sinh viên chưa nghĩ đến. Việc tập luyện lối sống kỷ luật sẽ phần nào giúp các bạn tự tin hơn trong các tương quan xã hội. Bạn sẽ biết phân định đúng – sai, tốt – xấu, để sẵn sàng đối diện với những được – mất, hơn – thua ở đời.

Trong một năm học, lịch sinh hoạt chung của lưu xá thường có rất nhiều hoạt động: lễ khai giảng, Tết Trung thu, Giáng sinh, Tết tây, Tết Nguyên đán, quốc tế thiếu nhi, lễ tri ân, lễ ra trường, chưa kể đến các dịp chúc mừng bổn mạng, sinh nhật, các kì đại hội giới trẻ, giao lưu giữa các lưu xá và nhiều dịp lễ khác. Chỉ tính riêng khâu chuẩn bị, mỗi sự kiện đã ngốn không ít quỹ thời gian của sinh viên. Với người có tính cách hướng nội, nhũng hoạt động này sẽ chẳng đem lại hứng thú gì.

Nhưng hãy thử làm một phép tính, trong một năm, nếu chỉ tham gia khoảng 50% các hoạt động ở danh sách trên, bạn sẽ có nhiều cơ hội giao lưu, kết bạn. Chưa hết, bạn còn được học miễn phí, qua thực hành, bằng trải nghiệm thực tế, có nhiều kinh nghiệm, liên quan đến hàng chục kỹ năng như: lập kế hoạch, lên chương trình, làm MC, làm việc nhóm, quản lý thời gian, quản lý kinh phí, quản lý cảm xúc, quản lý rủi ro, giải quyết vấn đề,… Những thứ mà đôi khi, bạn phải qua tiếp xúc, va chạm, cọ xát ở trường lớp, giảng đường, hoặc đến khi đi làm mới có thể học được. Những thứ mà, bạn không nghĩ rằng mình đã được trải nghiệm trong chính nơi, tưởng chừng chỉ là nơi để ăn, ở theo đúng nghĩa đen.

99.9% sinh viên ở lưu xá đều là người Công giáo, chỉ trừ một vài trường hợp rất đặc biệt. Vì vậy, sinh viên đều phải tham dự thánh lễ mỗi ngày, đọc kinh mỗi tối. Nhiều lưu xá còn tổ chức các buổi học giáo lí, nhân bản định kì theo tuần hoặc tháng. Thậm chí, có nhiều lưu xá mời linh mục đến giải tội hàng tháng. Tôi nhớ có lần, một chị bạn tôi đi xưng tội cách miễn cưỡng và cũng không ngại thành thực với Cha giải tội: “Con đến xưng tội vì các Sr yêu cầu thôi”.

Lịch sinh hoạt đạo đức của các sinh viên lưu xá, có thể nói, cũng bận rộn không kém gì lịch làm việc của các doanh nhân, hay lịch diễn của các nghệ sĩ. Nhưng bù lại, còn gì tốt hơn khi đời sống đạo đức của bạn được vun trồng, chăm sóc mỗi ngày như thế. Sau này đi làm, bạn sẽ thấy quý những tháng năm êm đềm này. Vì khi ấy, bạn chẳng có thời gian để tự hỏi: đã bao lâu rồi mình chưa đi lễ ngày thường, đã mấy tháng rồi mình chưa xưng tội,… Thú thật, lắm lúc bạn sẽ bị deadline dí xấp mặt, đến nỗi chẳng kịp ăn, không kịp thở, huống chi đến việc lắng lòng lại mà suy ngẫm.

Lí do này nghe có vẻ hơi vớ vẩn, nhưng cũng là một trong những điều lo lắng của tân sinh viên, nhất là các bạn nữ. Ở lưu xá, thông thường bạn sẽ được chuẩn bị sẵn bữa trưa và tối. Bạn cần đăng kí trước (ăn hay không ăn) để các bộ phận liên quan sắp xếp phần ăn. Nhiều sinh viên, vì không thích, lười ăn, giảm cân, hoặc có những “kèo” đột xuất, sẽ không ăn cơm ở nhà. Điều này gây ít nhiều lãng phí và trở ngại cho việc quản lí.

Nếu ăn cơm ở lưu xá, trước hết, bạn không cần lo Hôm nay ăn gì? Ai đi chợ? Ai nấu ăn?, vì bạn đã có những bữa ăn được chuẩn bị sẵn, an toàn, chất lượng. Và thực tế hơn, bạn sẽ tiết kiệm được một khoản kha khá so với những bữa ăn bên ngoài. Bữa cơm nhà, cũng là nơi bạn được trò chuyện, quan tâm hỏi han lẫn nhau. Điều mà có lẽ sau này, đôi khi bạn sẽ mong muốn có được nó.

Quy định về “ăn vặt”, với tôi, nó chỉ mang tính tương đối. Vì nhờ thời gian ở lưu xá, tôi mới được mở mang tầm mắt về thế giới ẩm thực, nào là ăn bánh tráng trộn ở đâu thì ngon, chỗ nào có sinh tố rẻ, quán nào có món lẩu xịn sò, và đủ thứ khác từ món ăn đường phố đến các món sơn hào hải vị.

Đã có lần, bạn tôi chỉ đạt giải nhì trong một cuộc thi thiết kế, chỉ vì ban tổ chức không liên lạc được với bạn để bổ sung hồ sơ quan trọng. Còn tôi thì phải thi lại môn Hán Nôm vì ghi nhầm lịch thi, trong khi đó, mấy đứa bạn ở lớp lại không thể nào liên lạc được với tôi để gọi lên thi gấp.

Phải nói là, đã có đủ những hỉ - nộ - ái - ố xảy ra khi không có chiếc điện thoại di động bên mình. Lại càng nghe có phần lạc hậu, khi công nghệ đã phát triển đến thời nào rồi, mà sinh viên lưu xá vẫn không được dùng điện thoại di động.

Đó là chuyện của nhiều năm về trước. Hiện nay, đa phần các lưu xá đều cho phép sinh viên dùng điện thoại, như một phương tiện thông tin, liên lạc, cũng là nhu cầu tối thiểu, cần thiết. Nhưng phải nói thêm, việc sử dụng điện thoại đều phải tuân theo một vài quy định chung. Vì vậy, các tân sinh viên cứ yên tâm, như đã nói ở trên - “công nghệ đã phát triển đến thời nào rồi, mà sinh viên lưu xá vẫn không được dùng điện thoại di động”.

“Công tác” là từ được dùng để chỉ những công việc dọn dẹp trong lưu xá như: lau nhà, dọn dẹp toilet, nhà bếp, nhà xe, nhà giặt, sân phơi, kể cả việc lau ghế, chà hành lang, cầu thang,… Sinh viên được hướng dẫn làm công tác trong phòng của mình mỗi ngày, công tác chung vào mỗi cuối tuần,… Tất tần tật mọi ngóc ngách trong lưu xá đều sẽ được dọn sạch đến từng xen-ti-mét.

Cũng không có gì khó hiểu khi các sinh viên phải tham gia vào việc dọn dẹp. “Nhà sạch thì mát” – dù là sinh viên nam hay nữ cũng nên học cách quan sát, tập cách quét nhà, lau nhà, nhặt rau, nấu cơm, thậm chí cả việc gấp quần áo, chăn mền thế nào cho ngăn nắp, gọn gàng… Việc tuy đơn giản, có vẻ dễ dàng, nhưng không phải ai cũng có thể làm tốt. Còn nhớ năm đó, trong buổi họp mặt cựu sinh viên, anh chồng của một chị cựu sinh viên đã không ngớt lời khen ngợi khi kể cho chúng tôi, anh rất thương chị, một trong những lí do là vì chị lau dọn… toilet quá sạch.

Riêng tôi, ngày nọ, một ngày đẹp trời, tôi đã được “vinh dự” đứng trước 3 Sr đồng hành, ướp thịt cho Sr xem. Đó là nồi thịt to đùng, đủ cho hơn 150 người ăn. Và bây giờ, cô bạn tôi, mỗi lần đi chợ, lại ghé nhà tôi đưa bọc thịt gà, bảo tôi ướp sẵn, để cô mang về kho.

Chỉ chừng đó thôi, đủ để bạn hiểu, nếu bạn muốn được chồng hoặc vợ mình thương, thì nhớ siêng năng làm “công tác” ngay khi còn ở lưu xá.

Hàng năm, cứ đến ngày 2/9, sau khi đi lễ sáng về, chúng tôi lại nháo nhào chạy lên xuống các lầu để xem danh sách chia phòng mới được dán trước cửa phòng. Mỗi lần như thế, một cuộc sống mới bắt đầu, vui buồn lẫn lộn.

Thử tưởng tượng, 4 năm sau ngày nhập học, bạn đi làm. Có một lẽ tất nhiên, bạn không được quyết định đồng nghiệp của bạn là ai, sếp bạn là người thế nào, team của bạn có ai dễ thương, hợp tác tốt, thậm chí, bạn vẫn phải làm việc với những đứa khó ưa.

Quay về ngày còn ở lưu xá, mỗi lần chuyển phòng, bạn đã làm quen với việc tiếp nhận cái mới: sắp xếp lại đồ đạc, làm quen bạn mới, chung sống với những người mình ghét. Sau này, việc cộng tác với đồng nghiệp sẽ không thể nào làm khó được bạn.

Tiêu đề đã nói lên tất cả. Lưu xá thường quy tụ số lượng từ 20 đến cao nhất khoảng 200 sinh viên. Đi ra đi vào đều có thể gặp người này người kia. Những người hướng nội, sẽ thấy khó khăn khi phải sống với nhiều người.

Một lần nữa, việc chung sống với nhiều người với những tính cách, từ những vùng miền, văn hóa khác nhau, sẽ giúp bạn mở rộng tương quan, lúc khó khăn giúp đỡ lẫn nhau, khi vui buồn có người an ủi động viên, khi cần sẽ có người hỗ trợ. Đặc biệt, ở lưu xá, bạn sẽ không có cả thời gian để nhớ nhà.

Những lí do trên, tuy là có thật, khiến nhiều sinh viên băn khoăn. Chính bản thân tôi trong suốt những năm ở lưu xá, cũng đã không ít lần cảm thấy phiền phức vì những quy định của lưu xá. Nhưng, để có một mùa cây trái, người nông dân đã kỳ công chăm bón, chính thân cây cũng phải trải qua quá trình uốn nắn, chịu đựng nắng mưa. Để tạo ra một tác phẩm điêu khắc hoàn hảo, người nghệ sĩ phải ngày đêm tỉ mẩn, chính khúc gỗ cũng phải chịu đục đẽo, gọt dũa. Để có thể di chuyển, con sâu phải chấp nhận co mình lại, mới có thể vươn mình búng ra thật xa. Một nhà giáo dục, nếu muốn tạo ra một “sản phẩm - con người - chất lượng”, cũng sẽ vận dụng những cách thức tương tự thế thôi.

Tôi còn nhớ, mùa hè năm 2013, sau khi tốt nghiệp đại học, cũng là lúc tôi khăn gói đi tìm việc làm và chỗ trọ mới, sau 5 năm ở lưu xá. Lần đó, tôi gọi điện thoại về thăm bạn cũ và các Sr, có lẽ vì quá nhớ, nên một cách rất tự nhiên, tôi đã òa khóc ngon lành ngay khi nghe đầu dây bên kia nhấc máy.

Vì vậy, các bạn tân sinh viên đừng quá lo lắng khi chuẩn bị gia nhập các “gia đình lưu xá thân thương”. Tôi cam đoan với bạn, sau khoảng thời gian ở lưu xá, bạn sẽ không ngại ngần khi gọi tên gia – đình – lưu – xá – thân – thương như tôi. Nếu là nam, có thể bạn sẽ trở thành hình mẫu lí tưởng của nhiều cô gái. Nếu là nữ, bạn sẽ là người phụ nữ vạn người mê, sau này, các bà mẹ chồng sẽ vui mừng chào đón bạn. Tin tôi đi!

Còn bên dưới là thông tin tổng hợp các lưu xá (nam và nữ) tại TP HCM, cho bạn nào vẫn còn cần và sẵn sàng, tự nguyện muốn ở lưu xá.

Bấm vào đây

Bài viết : Nguyên Nhi
Thiết kế : Ban Biên tập