Menu
Đối thoại

Thân chào tất cả các bạn, mình là người ‘Xìgòn’, cũng là một Huynh trưởng - Giáo lý viên ở giáo xứ nhà. Hàng tuần, ngoài công việc cá nhân, mình tranh thủ mỗi chiều đi lễ, cũng như "mệt" thêm xíu nữa là vào mỗi chiều thứ 5 và Chúa nhật để đến lớp giáo lý với các em thiếu nhi. Những điều mình đã chia sẻ trong bài viết, mình cũng rất đắn đo khi viết, vì có lẽ chưa bao giờ kể với ai. Đó là kết quả của những lần mình ở trước Thánh thể, cũng như trong những đợt linh thao sinh viên.

Buông quyển sách xuống, tôi vẫn còn ở trang 73 của Tông huấn Christus vivit. Như một mũi kim, người ta hay “lại chỉ” ở cuối đường khâu, tôi cũng vậy, đọc tới đâu thì… cuối cùng cứ thích quay về số 117 để kết quyển sách này.

“Khi Ngài yêu cầu con điều gì hoặc đơn giản để con đối diện với những thách đố trong cuộc đời, đó là lúc Ngài mong con để cho Ngài thúc đẩy con, động viên con, giúp con trưởng thành. Ngài không khó chịu khi con nêu lên những nghi ngờ, nhưng Ngài ưu tư khi con không nói chuyện với Ngài, khi con không mở lòng ra đối thoại chân thành với Ngài. Thánh Kinh kể rằng ông Giacóp đã vật lộn với Thiên Chúa (x. St 32, 25-31), nhưng điều ấy đã không làm cho ông rời xa đường lối của Chúa. Thật ra, chính Ngài khuyên chúng ta: “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận!” (Is 1, 18). Tình yêu của Chúa chân thực và cụ thể đến nỗi nó ban cho ta một mối quan hệ đầy đối thoại chân thành và hiệu quả. Cuối cùng, con hãy tìm đến với vòng tay của Cha trên trời nơi khuôn mặt mến thương của các chứng nhân can đảm của Ngài trên trần gian!

Tôi tìm đọc Christus vivit vì lý do đơn giản: Trong mọi bài chia sẻ của Papa Francisco, tôi luôn luôn “bị” ngài đâm trúng tim đen, và… chà… kỳ này cũng vậy, tôi háo hức xem ngài sẽ “khều” trúng quả tim của tôi ở mặt nào đây? Và… tôi đã tìm thấy “con số” dành cho tôi trong quyển sách này rồi đó!

Tôi phải thú nhận rằng, giữa việc tiếp thu kiến thức giáo lý và sống với Chúa có một khoảng cách xa, rất xa. Tôi được học rằng mình phải “chân thành” với Chúa, mình phải ý thức đang sống trước mặt Chúa. Tôi cũng đã tự tin truyền đạt lại cho các em nhỏ y như vậy: phải chân thật, không được có ý giấu Chúa điều gì. Nhưng góc nhìn tôi quá hạn hẹp, những cụm từ “chân thành” “thành thật” bao nhiêu năm qua đối với tôi chỉ dừng lại ở nghĩa "báo cáo". Nghĩa là, theo đúng nghĩa đen, mỗi tối xét mình, tôi gói ghém những chuyện "đã rồi" xảy ra trong ngày, để cám ơn Chúa những gì tốt đẹp và xin lỗi Chúa những gì mình sai. Thế còn những chuyện dở dang, những gì chưa giải quyết ổn thỏa trong tâm hồn thì sao? Tôi, chính tôi, hay cất giữ cho riêng mình để nhấm nháp suy nghĩ, chưa hề có ý định đặt nó ra cho Chúa thấy.

Tôi nhận ra mình vô cùng ngốc nghếch khi ngại đối thoại với Chúa, nhưng thật ra cái “ngại” của tôi là biểu hiện cho chính cái kiêu ngạo tiềm ẩn trong tâm hồn mình. Như chuyện tôi từng gặp khó khăn trong công việc, tôi đã được đánh động nhiều lần để mở lòng hơn với Chúa qua thất bại đó, nhưng tôi bỏ ngoài tai và tự loay hoay giải quyết vấn đề suốt cả hàng tháng trời, hàng năm trời. Tôi cũng có cầu nguyện vậy, nhưng là sự ích kỷ:

“Chúa ơi, con muốn làm tốt việc này, Chúa giúp con hoàn thành với!”

Chỉ vậy, từ ngày này sang ngày khác, không thêm chút gì để Chúa có cơ hội nói với tôi, rằng tôi cần buông bỏ để thấy mình nhỏ bé. Sự tự tin, bản lĩnh của mình phải nhường chỗ cho ý định của Thiên Chúa. Lần khác, tôi có mối quan hệ không tốt với một người anh em, tôi dằn vặt ngày này qua tháng nọ trong đau khổ để phân tích “tôi đúng hay nó đúng”, lâu lâu tôi chỉ nói với Chúa rằng:

"Chúa ban cho con lý trí tốt đi, để con tiếp tục nghĩ xem con có lỗi trong chuyện này hay không!”

“Ngài không khó chịu khi con nêu lên những nghi ngờ, nhưng Ngài ưu tư khi con không nói chuyện với Ngài, khi con không mở lòng ra đối thoại chân thành với Ngài.”

Có lần tôi mất ăn mất ngủ vì chủ đề “ấu dâm” tôi tìm thấy ở khắp mọi nơi, ngay cả trong Giáo hội. Tôi thấy nó ghê tởm đến nỗi tôi không dám kể cho Chúa nghe, trong tâm hồn tôi là chuỗi những ngày lén lút trước Chúa: lấm la lấm lét tìm thông tin rồi đóng cửa tâm hồn để một mình mình suy nghĩ về những điều đó. Tôi đã cảm nghiệm nỗi sợ hãi

“Chúa ở đâu? Chúa không có thật trên đời phải không?” và lúc đó cả bầu trời đức tin sụp đổ hết trong tôi, chỉ vì tôi giấu Chúa. Thật ra, chính Ngài khuyên chúng ta: “Hãy đến đây, ta cùng nhau tranh luận!”_ (Is 1, 18).

Và buổi trưa kia, chính Chúa đã gọi tôi “Này con” trong một cơn gió nhẹ lướt ngang mặt. Chúa vực tôi dậy, kéo tôi ra khỏi sự ngờ vực, đối thoại với tôi qua lời vị linh mục trong tòa giải tội, để giờ đây tôi trưởng thành hơn trong khiêm nhường.

Tôi, một người trẻ, đã từng coi thường vài ba cái nỗi sợ vớ vẩn, nhưng nay học được bài học hạ mình và khiêm nhường, đừng tự cho mình có khả năng giải quyết được hết mọi việc, hãy trao đổi với Chúa cả những điều còn nghi ngờ, trước hết để có được sự bình an, và sau là nhờ Chúa để có lý trí phân định mọi việc.

Bài viết : Việt Trinh
Trình bày : Ban Biên tập