Menu
Thay đổi nhỏ, hạnh phúc lớn

Mình vốn là đứa ít nói chuyện với gia đình vì khoảng cách tuổi tác hai thế hệ khá lớn. Dường như trong suốt giai đoạn dậy thì, mình thường tự tìm hiểu những vấn đề về tâm sinh lý tuổi mới lớn. Tuy vậy, trong đầu mình luôn hình thành suy nghĩ “Mẹ chẳng hiểu gì cả”. Khoảng cách cứ thế lớn dần, lớn dần.

Rồi đến một ngày, mình chợt nghĩ đến việc phá vỡ khoảng cách này và mình muốn nói chuyện với mẹ nhiều hơn. Hiện tại, mình và mẹ đã rất vui vẻ và cùng làm khá nhiều thứ với nhau. Việc này khiến cho các thành viên trong gia đình ngày càng xích gần gần nhau hơn. Vậy sự thay đổi này đã xuất phát như thế nào? Mình xin chia sẻ với các bạn ba điều thay đổi nhỏ mình đã làm để gia đình có được hạnh phúc to hơn.

Chủ động trong suy nghĩ là động lực thúc đẩy chủ động trong hành động. Chính bản thân mình chủ động thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực, chủ động trong mọi việc như hỏi thăm, bắt chuyện, làm việc nhà. Nếu mãi e dè trước bức tường khoảng cách, ắt có lẽ cho dù là 10 năm, 20 năm,… mình và mẹ vẫn không thể hiểu được nhau.

mình luôn tự nhủ câu này trong kể từ khi quyết tâm cải thiện mối quan hệ với mẹ. Chủ động tìm hiểu suy nghĩ của mẹ, mình mới nhận ra mẹ là một người khá thú vị. Có nhiều điều mẹ suy nghĩ thoáng, cũng có những điều mẹ dần học cách thay đổi để nghĩ cho nó hợp thời. Ra là mẹ cũng cố gắng để thấu hiểu mình và cuộc sống hiện đại bây giờ.

Việc chủ động trong suy nghĩ và hành động cũng khiến mẹ có những cái nhìn khác về mình. Mẹ dường như hiểu được tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của mình hơn. Từ đó thay đổi cách hành xử, không còn ép buộc hay gò bó quá nhiều.

“Nói thì dễ, làm mới khó” – đây ắt là câu nói kinh điển trong cuộc sống. Vậy nên trong quá trình cải thiện mối quan hệ với mẹ, đây thực sự là thử thách khá khó.

Cá tính mình khá mạnh, thường không chịu nhẫn nhịn mỗi khi ai nói điều không đúng về mình. Nhưng trong cuộc sống gia đình, hành động “đáp trả” ấy thật sự không giúp gì nhiều mà còn gây thêm những mâu thuẫn. Do vậy, mình phải học cách giữ im lặng đúng lúc và giải bày ý mình theo một cách nói khác nhẹ nhàng và tình cảm hơn…

Hồi bé cứ vòi mãi “Con muốn…”, “Con ước…”, thoáng chốc đã 20, nhận ra cần nên bắt tay vô hiện thực hóa chứ đừng để điều mong muốn, ước ao làm được, có được vẫn chỉ là thứ hư vô.

Mình thích đồ thủ công nhưng lại vốn vụng về và thiếu hoa tay nhưng vẫn chạy u mua về một bọc len to đùng sau khi nói với mẹ “Con muốn học móc len”. Mẹ thường kém kiên nhẫn chỉ dạy mình làm cái gì đó do mình không khéo và làm chậm, nhưng chính quyết tâm muốn học móc len, mẹ đã chỉ dạy từ từ từng mũi kim. Việc muốn học móc len đã giúp mẹ và mình gần nhau hơn, tâm sự nhiều hơn và dành thời gian cho nhau nhiều hơn.

Đôi khi bớt một lời nói sẽ không còn tổn thương, học một điều mới mẻ sẽ mang lại những cảm xúc và khoảnh khắc đặc biệt.

“Nghe nhưng không phải là lắng nghe” – câu nói của cô bé trong một chương trình truyền hình về gia đình đánh thức tâm trí mình. Hình như trong gia đình mình cũng chưa thật sự lắng nghe lẫn nhau.

Không còn việc nghe rồi để đó, nghe tai này qua tai kia, những lời nói, lời khuyên, góp ý của mẹ, mình đều cất lại trong trí lòng. Mình nghiền ngẫm nhiều hơn, tự hồi tâm lại và chọn cách làm đúng và phù hợp nhất. Mẹ cũng vậy, lắng nghe mình nhiều hơn. Một chủ đề, một vấn đề không vội vàng quyết định trong vài phút tranh luận. Có những lần phải dành tận một tuần để tìm ra hướng đi ổn thỏa việc tự do trong sở thích của mình cũng như an ủi bớt những lắng lo trong lòng mẹ.

Cách đây tầm một tháng, mình “đánh liều” xin làm cộng tác viên content cho một doanh nghiệp du lịch khám phá mạo hiểm. Sau cuộc nói chuyện với bên kia, họ đưa ra lời đề nghị mình sẽ tham gia tour vào đúng một tuần sau, khi trở về mình sẽ viết bài gửi cho họ và nếu có cơ hội hợp tác cùng, đôi bên thương lượng về công việc và công tác phí. Bản thân mình thấy rất háo hức nhưng khi chia sẻ với mẹ, mẹ đã lo lắng rất nhiều vì chuyến đi này mình sẽ đi một mình với những người xa lạ đến vùng đất mới chưa được khai thác rộng rãi.

Mình đã từ chối lời đề nghị đó sau khi nghe hết những suy tư của mẹ. Mình nghĩ rằng không ít lần trong đời, không chỉ mỗi bản thân mình mà cũng có rất nhiều anh chị, bạn bè đã phải từ bỏ “sự yêu thích cá nhân” của mình mà chọn “bình yên gia đình”, phải tìm kiếm một cơ hội mới. Đơn giản là vì không muốn ba mẹ lo lắng nhiều, đúng không nhỉ?

Nếu chỉ mãi lắng nghe mà không cùng chia sẻ, tất cả cũng chỉ là lời nói và vô định giữa những vấn đề. “Lắng nghe và chia sẻ” đi cùng nhau mới có thể càng thấu hiểu và xóa bỏ những giới hạn giữa hai tâm hồn

Chúng ta luôn phải lựa chọn và thay đổi để trở nên tốt hơn. Đôi khi một thay đổi nhỏ lại làm nên một điều kì diệu, mang lại một hạnh phúc to lớn hơn, nhất là trong gia đình, nơi cái nôi nuôi dưỡng con người và tâm hồn. Điều phi thường và hạnh phúc chẳng ở đâu xa mà là từ những điều nhỏ bé, từ tình yêu và sẻ chia trong cuộc sống này. Mình xin chúc bình an đến mọi gia đình và mọi thành viên trong gia đình luôn biết cách làm cho gia đình trở nên hạnh phúc hơn.

Bài viết : Mộc Yên
Trình bày : Hồng Nhật