Menu
Dành cho ai cần hỗ trợ | Tổ Y Tế hỗ trợ F0 của ĐH Y Phạm Ngọc Thạch

Chúng tôi bắt đầu cuộc phỏng vấn lúc 10h30, nhưng không phải ban ngày mà là 10h30 tối, khoảng thời gian có lẽ nhiều người đã yên mình trong chăn ấm nệm êm. Hai nhân vật chính hôm ấy là thành viên nhóm SVCG Hiệp Thông – hai bạn trẻ Minh Huy và Bích Vân. Điều đặc biệt là cả hai bạn đều đang tình nguyện trong tổ Y tế từ xa – Hỗ trợ theo dõi F0 tại nhà, thuộc Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Hàng nghìn cuộc gọi mỗi ngày

Tổ tư vấn từ xa được thành lập để thực hiện hai nhiệm vụ chính: tiếp nhận bệnh nhân qua hotline và chăm sóc từ xa đối với các ca F0 từ nhẹ đến trung bình.

Mỗi ngày, hotline của nhóm sẽ hoạt động vào ba khung giờ chính: 8h-10h / 14h-16h / 18h-20h. Từ 20/9/2021 sẽ hoạt động hai khung giờ 8h-11h và 14h-17h. Bắt đầu từ những cuộc gọi của F0 về tổng đài, đội trực sẽ thăm khám tổng quát, nắm tình trạng bệnh và đề xuất hướng điều trị phù hợp.

Nếu bệnh nhân thuộc ca bệnh nhẹ, nhóm sẽ tiếp nhận bệnh nhân và chuyển qua đội chăm sóc từ xa. Đội khám gồm các sinh viên năm cuối và bác sĩ sẽ tư vấn cách chữa trị, mỗi ngày thăm khám, hỗ trợ qua Zalo. Nếu cần thiết, đối với các ca bệnh trở nặng, đội hậu cần sẽ đến trực tiếp để cung cấp thuốc hoặc bình oxy.

Ngoài ra, nếu người gọi đến thuộc ca bệnh nặng hoặc nguy hiểm, nhóm sẽ tư vấn bệnh nhân gọi ngay cấp cứu (115 hoặc 1022) để kịp thời chuyển đến bệnh viện. Trong một số tình huống cấp bách, hoặc trong khả năng của nhóm, các tình nguyện viên cũng hỗ trợ người nhà gọi cấp cứu để được chuyển viện sớm nhất có thể.

Những ngày đầu, nhóm chỉ nhận được vài trăm cuộc gọi mỗi ngày. Nhưng đến nay, con số đó đã lên đến hơn 1000. Trung bình mỗi ngày, đội khám phải tiếp nhận thêm hơn 150 ca bệnh. Với lượng F0 ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc khối lượng công việc, thời gian và áp lực tinh thần mỗi thành viên phải gách vác là không hề nhỏ.

Quy trình làm việc của nhóm

24h05

Thông tin liên hệ của tổ Y tế, nếu bạn cần hãy liên hệ

ho%20tro%20f0

“Những ngày đầu em đã khóc rất nhiều”

Đó là lời chia sẻ của bạn Bích Vân, trưởng nhóm trực hotline. Nhiệm vụ của đội không chỉ gói gọn trong việc nghe điện thoại, sàng lọc ca bệnh, tư vấn điều trị, nhưng xa hơn, họ còn là người trấn an, xoa dịu nỗi lo, sợ hãi của các F0 khi gọi về.

Tôi vẫn còn nhớ giọng nói nhẹ nhàng, hơi chút ngập ngừng của bạn Vân khi kể lại “Những đầu em khóc nhiều lắm. Vì thấy họ bệnh vậy, mình cũng lo, lại không đủ sức để giúp hết tất cả. Nhiều đêm em thao thức mãi vì không biết cách nào để có thể nhận được hết các cuộc gọi”. Có lần, vì có quá nhiều cuộc gọi đến, ngay sau khi hết ca trực, không an tâm với hàng trăm cuộc gọi nhỡ chưa kịp xử lý, Vân đã tranh thủ thời gian gọi lại hơn 50 cuộc gọi nhỡ với mong muốn ít nhiều giúp được cho những người chưa may mắn ấy.

Về phía Huy, là thành viên của đội khám, cũng đã không ít lần dằng xé lòng mình với những ca bệnh nặng năn nỉ được giúp đỡ nhưng ngoài khả năng của nhóm, vì số lượng ca đang quá tải. Giờ làm việc của đội khám hầu như là 24/24. Ngay cả khi đang phỏng vấn với chúng tôi, Huy phải vừa trả lời, vừa chăm sóc bệnh nhân. Khi buổi phỏng vấn kết thúc, là lúc Huy tiếp tục công việc. Sáng hôm ấy, bạn vừa tiếp nhận một ca bệnh, nhưng đến trưa đã có dấu hiệu trở nặng, nhà bệnh nhân không có thuốc sẵn, bình oxy vừa hết nên khó cầm cự, chỉ số SpO2 liên tục giảm và bệnh nhân bắt đầu hôn mê. Huy cùng các bạn vừa tiếp tục hướng dẫn bệnh nhân thở, vừa tìm nguồn oxy bổ sung và liên tục gọi đến các bệnh viện nhưng gần như không ai nhận bệnh. Ròng rã hơn 4 tiếng đồng hồ kêu cứu đến các bệnh viện, đến tận gần 1 giờ sáng, bệnh nhân mới được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện quận 8.

24h04

“Những gì anh em muốn người ta làm cho mình, chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7, 12)

Khi được hỏi về cảm xúc, suy nghĩ của hai bạn đã thay đổi như thế nào trước và sau khi tham gia tuyến đầu chống dịch. Huy cảm nhận rất rõ mối tương quan với Chúa và những người xung quanh. Bạn quý trọng hơn những điều nhỏ nhặt hàng ngày thay vì tìm kiếm những điều xa xôi. Hiểu được nỗi lo lắng, hoang mang của các F0 nên cho dù đôi khi bị những người gọi đến lớn tiếng vì chưa được phản hồi, cách tình nguyện viên vẫn không ngừng cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình.

Tuy làm việc tại nhà nhưng áp lực từ các cuộc gọi và hàng trăm bệnh nhân đã khiến không ít thành viên cảm thấy quá sức và căng thẳng. Vì vậy, trong giai đoạn này sức khỏe tinh thần đối với họ cũng quan trọng không kém. Nhiệm vụ chính đầy áp lực và chiếm hầu hết thời gian trong ngày nhưng các bạn trẻ vẫn cố gắng dành thời gian cho nhau để cùng chia sẻ, giúp nhau giải tỏa căng thẳng và nâng đỡ nhau vượt qua. Đại dịch có lẽ khiến nhiều người cảm thấy rằng cuộc sống của con người chưa bao giờ mong manh và quý báu đến vậy.

Tôi nghĩ đó cũng là một trong những lý do mà hai bạn Vân, Huy và nhiều bạn tình nguyện khác dốc sức cống hiến, vì họ thấy rằng mình thật hạnh phúc khi đến hôm nay mình vẫn còn bình an để có thể giúp đỡ và xoa dịu cho những người kém may mắn hơn, đôi khi không thể giúp họ thoát khỏi bệnh tình nhưng chí ít họ đã thoát ra được nỗi sợ và tìm được sự bình an trong lòng.

Quả ngọt

Niềm vui trong những ngày này của nhóm chỉ đơn giản là những tin nhắn, cuộc gọi thông báo khỏi bệnh kèm theo những lời cảm ơn, động viên đầy yêu mến. Có gia đình năm người nhiễm Covid nay đã khỏi, những ca bệnh nguy kịch cũng đã vượt qua. "Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại”. (Cl 3, 12).

Không riêng gì Minh Huy và Bích Vân, còn nhiều bạn trẻ Công giáo khác cũng đang hăng say cống hiến cho công việc phòng chống dịch. “Những chiến binh thầm lặng” cụm từ có lẽ đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên các kênh truyền thông, nhưng mình vẫn muốn nhắc lại lần nữa khi nói về các bạn trẻ ấy. Hành trang lên đường chống dịch của các bạn ấy là niềm hăng say và tình yêu thương. Mình tin rằng những hạt giống các bạn gieo hôm nay sẽ có được quả ngọt mai sau.

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Tổ y tế từ xa – Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM)

Hotline: 028.99999.115 hoạt động hai khung giờ 8h-11h và 14h-17h.

Mục tiêu: Theo dõi và chăm sóc các ca F0 đang tự cách ly tại nhà, nhằm giảm các các ca bệnh trở nặng và giảm tải cho các bệnh viện trên địa bàn TP HCM. Thành viên: Bác sĩ, giảng viên, sinh viên Y Khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và cộng tác viên từ các cơ sở y tế.

Cách thức hỗ trợ:

  • Thăm khám bệnh qua Zalo.
  • Hưỡng dẫn cách theo dõi bệnh Covid tại nhà và nâng cao sức khỏe.
  • Kê toa phù hợp với từng giai đoạn bệnh.
  • Tư vấn các vấn đề sức khỏe liên quan.
  • Hỗ trợ liên hệ oxy và chuyển viện khi cần thiết.
  • Thăm khám hoàn toàn miễn phí và không yêu cầu trả phí cho bất cứ dịch vụ nào.
Bài viết : Hoàng Phương
Hình ảnh : Nhân vật cung cấp
Thiết kế : Hồng Nhật