
Anrê Phú Yên (sinh khoảng năm 1625, mất khoảng năm 1644) là một tín hữu Công giáo, được coi là vị tử đạo tiên khởi tại Việt Nam, và được Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên chân phước vào ngày 5 tháng 3 năm 2000. Ngài cũng được xem là một trong những vị quan thầy của giáo lý viên và giới trẻ Công giáo thế giới. Cùng tìm hiểu về vị chân Phước tuyệt vời này nhân chuyến đi thăm Đền thánh của ngài tại Đà Nẵng.
Người xưa có câu: “Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một thử”. Vậy là chúng tôi quyết định khởi hành từ thành phố Đà Nẵng đến đền thánh Anrê Phú Yên để may ra nhờ chuyến ‘phượt’, có thể học hỏi những gương sáng vị Tử đạo tiên khởi của Giáo hội Việt Nam.
Đền thánh cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chừng 20 cây số về phía nam, cách phố cổ Hội An 7 cây số, thuộc vùng đất Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam. Đền thánh có diện tích chỉ hơn 2000 m2, với ngôi nhà thờ nhỏ vừa mới tu sửa, nơi lưu giữ Thánh Tích là những sợi tóc của Ngài. Từ năm 2007, Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri nâng giáo họ Phước Kiều lên đền thánh, do đó đền thánh đang trong thời gian trùng tu và xây dựng. Điều đặc biệt, Phư]ớc Kiều chính là một trong những nơi đầu tiên đón chân các nhà truyền giáo đến Việt Nam từ năm 1615. Chính tại nơi đây, chữ quốc ngữ ra đời, một cái nôi quan trọng để cho sự hình thành và phát triển chữ quốc ngữ.
Thầy giảng Anrê sinh năm 1625 tại Phú Yên, được chính Cha Ðắc Lộ (Alexandre de Rhodes) rửa tội năm 15 tuổi, cùng lúc với bà mẹ góa và các anh chị. Lúc đó, Anrê đã bắt đầu học chữ nho. Một năm sau, Anrê xin được thu nhận vào nhóm các thầy giảng giáo lý do cha Ðắc Lộ thành lập. Vì tuổi còn trẻ, cần phải được hoàn tất chương trình đào tạo, Anrê được gửi gắm cho vị quan thuộc nhóm thầy giảng tên là Inhaxiô, một trong những trụ cột của cộng đồng Công giáo còn non trẻ. Anrê tiến triển vượt bậc trong việc học các kinh sách truyền thống, nhất là về đức tin Kitô giáo, đồng thời đảm nhận những công việc thấp hèn nhất để phục vụ nhà Chúa và luyện tập công việc giảng dạy.
Nhóm này gồm khoảng 12 người, có cả người lớn lẫn thanh thiếu niên, được cha Ðắc Lộ hướng dẫn. Nhóm đã đạt được những thành công đáng kể trong việc rao giảng Tin Mừng; điều này đã làm nảy sinh lòng đố kỵ và tình trạng căng thẳng trong triều đình Chúa Nguyễn, cũng như tại xứ Quảng Nam (nơi có trung tâm sinh hoạt truyền giáo chính của nhóm). Vị quan trách nhiệm chính quyền dinh Quảng Nam thề sẽ tiêu diệt Inhaxiô, đã nhận được giấy phép cho bắt giam và kết án tử hình ngài. Theo kế hoạch của nhà cầm quyền, “đạo của người Bồ Đào Nha” chỉ dành riêng cho người ngoại quốc, vì vậy mọi việc truyền đạo cho người Việt Nam phải bị cấm chỉ.
Inhaxiô vắng mặt khi lính đến tìm bắt ngài. Thầy Anrê trẻ tuổi lúc ấy đang ở nhà một mình, đã tình nguyện nạp mình thế chỗ cho người anh cả. Trước tòa án của quan đầu tỉnh Quảng Nam, Anrê đã tuyên xưng đức tin một cách phi thường, không giây phút nào nao núng: “Ước chi tôi có được ngàn mạng sống của tôi để hiến dâng tất cả cho Chúa hầu đền đáp ơn Ngài”. Bị kết án, Anrê chờ đợi cái chết một cách bình thản, lòng đầy hân hoan, chỉ xin mọi người cầu nguyện cho thầy, để thầy được “…giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”.
Anrê chết do nhiều nhát giáo đâm rồi bị chặt đầu, miệng không ngớt kêu tên Giêsu. Ngày ấy là ngày 26/7/1644, khi Anrê vừa được 19 tuổi. Ðắc Lộ ở bên cạnh thầy. Ðứng vây quanh Anrê còn có nhiều tín hữu Công giáo Việt Nam và ngoại quốc, cũng như đông đảo đồng bào ngoài Công giáo; mọi người rất xúc động trước sự tuyên xưng đức tin của thầy. Gương tử đạo của thầy qua những lời chứng và tường thuật, đã lan truyền đến nhiều quốc gia.
Cách đây 20 năm, tại quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC Gioan Phaolo II đã chủ sự thánh lễ tuyên phong 44 vị Chân phước thuộc 5 quốc gia. Trong đó, vị Tử đạo trẻ Anrê Phú Yên là người Việt Nam duy nhất. Trong bài giảng đại lễ phong Chân phước, ĐTC đã lên tiếng ca ngợi gương sáng các vị tân Chân phước và nhắn nhủ từng phái đoàn hãy sống tinh thần các Chân phước để lại: “Hôm nay tôi thật vui mừng lớn lao để nâng các vị Tử đạo này lên bậc Chân phước, trình bày họ cho Giáo hội hoàn vũ và thế giới như những chứng nhân sáng lạng về sức mạnh của Thiên Chúa đã tác động trong sự mỏng giòn của con người”. Hướng về phái đoàn Việt Nam, Đức Thánh Cha đã lấy mẫu gương Chân Phước Anrê Phú Yên để nhắn nhủ và khích lệ: “Cuộc sống của Anrê Phú Yên đã cho chúng ta thấy quyết tâm của một con người không chấp nhận chối bỏ niềm tin, dù phải đối đầu với bạo lực.
Giới trẻ có thể rút ra sức mạnh và sự can trường từ tấm gương của con người sẵn sàng hy sinh mạng sống vì anh chị em mình. Chớ gì tất cả các môn đệ của Đức Kitô tìm thấy nơi vị Chân phước trẻ này sức mạnh và sự nâng đỡ trong cơn thử thách!
Dầu các vị Chân phước này đã sống trong những giờ phút lịch sử cách xa nhau khá dài và trong những hoàn cảnh văn hóa rất khác biệt, nhưng tất cả các vị đã gặp nhau trong cùng một kinh nghiệm y hệt nhau là trung thành với Đức Kitô và Giáo hội”.
Dù là ai đi chăng nữa, cũng chỉ sống một tuổi trẻ mà thôi. Người bạn trẻ Anrê Phú Yên chỉ sống 19 năm cuộc đời ngắn ngủi và 4 năm Kitô hữu trên trần thế. Nhưng thánh nhân đã trải qua 19 mùa xuân tươi đẹp nhất và đã trở nên tấm gương rạng ngời chiếu sáng cho bất cứ người trẻ nào yêu mến Chúa Giêsu và Giáo hội của Người.
Ngài mãi mãi là Kitô hữu, mãi mãi là người bạn của Chúa Kitô. Chân phước Anrê Phú Yên đã không lãng phí tuổi trẻ với đầy lòng nhiệt huyết cho những thứ ồn ào, nhưng thánh hóa tuổi trẻ để phục vụ người khác và Giáo hội trong âm thầm. Ngài đã chết cho người tình Giêsu và lấy tình yêu để đáp đền tình yêu. Đó là đỉnh cao của Tin mừng tình thương mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống vì không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì bạn hữu (Ga 15, 13).