


Năm 1882, linh mục Theosdule Joshep Hamon (cố Lựu) được bổ nhiệm làm cha sở tại Truông Dốc (thuộc tỉnh Bình Định). Vì đây là một vùng đất trống trải và hoang vắng, thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt sinh nhiều bệnh tật vào mùa đông, nên khi phong trào Văn Thân năm 1885 nổ ra, ngài đưa nhiều người vào Qui Nhơn lánh nạn, sau đó ngài lại đưa một số tín hữu khác đến Vĩnh Long tạm cư cho đến khi phong trào Văn Thân kết thúc. Đến năm 1887, những người ở Qui Nhơn và Vĩnh Long quay về lại quê hương Truông Dốc. Sau khi mọi thứ dần ổn định, để giúp các tín hữu có nơi để cầu nguyện ngài đã cho xây dựng ngôi nhà thờ Nhà Đá.
Tên gọi nhà thờ Nhà Đá xuất phát từ vật liệu xây dựng nên ngôi nhà thờ, đó là đá ong. Đây là một công trình bằng đá đầu tiên của Giáo phận Đông Đàng Trong. Năm 1889, tức cách đây hơn 130 năm, nhà thờ chính thức được khánh thành. Nay phế tích của nhà thờ vẫn còn và tọa lạc tại thôn Đại Thuận, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.

Sau khi công trình nhà thờ hoàn tất, cha Hamon bắt đầu mua ruộng đất, với mong ước vực lại kinh tế cho giáo xứ, đáp ứng các nhu cầu và công việc cần thiết của nhà thờ. Năm 1908, sau 26 năm phục vụ nhiệt thành ở mảnh đất này, ngài về hưu.
Sau một thời gian dài với nhiều thăng trầm, nhà thờ Nhà Đá đã cũ, nên năm 1931 cha Phêrô Nhì quyết định trùng tu lại. Nhưng vì đây là một vùng đồng không mông quạnh lại hứng chịu thiên tai, nên công việc trùng tu chưa kịp hoàn tất thì một trận bão vào tháng 10 năm Nhâm Thân 1932 đã khiến công trình sụp đổ hoàn toàn. Sau đó, cha Gioan Kim Phan Công Sử cho xây lại ngôi thánh đường này. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, cha lại chọn sử dụng vật liệu gỗ. Công trình hoàn thành vào năm 1940.
Đến năm 1955, vì một sự cố, nhà thờ Nhà Đá bị thiêu rụi gần hết phần sau nhà thờ, tức phần được xây dựng bằng gỗ của cha Sử. Nhưng sau đó, Đức Cha Marcello Piquet Lợi (Giám mục Giáo phận Qui Nhơn) đã thuê người làm lại nhà thờ mới với những cột kèo đúc bằng bê tông như hiện nay.
Là vùng đất chịu ảnh hưởng nặng của bom đạn trong chiến tranh, nên từ năm 1965 đến 1968, hầu hết mọi tín hữu di cư đi nơi khác để lánh nạn và định cư ở những vùng đất mới. Năm 1975, các Tu sĩ Đồng Công cũng rời khỏi nơi này và không trở lại. Nhà thờ lại một lần nữa trở nên hoang tàn và thiếu vắng bàn tay chăm sóc của con người.


Tuy hiện nay, nhà thờ Nhà Đá này không còn là nơi sinh hoạt của các tín hữu, cũng không mang trên mình nhiệm vụ như những nhà thờ khác. Nhưng đặc biệt hơn, nó mang một trọng trách lịch sử, là nơi để những thế hệ trước nhớ về một thời oanh liệt, bị vùi dập bởi bom đạn, nhưng đức tin vẫn kiên vững. Đó còn là nơi cho những thế hệ trẻ nhìn ngắm về thời hoàng kim, về những khó khăn của thế hệ trước và là nơi cũng cố niềm tin cho người trẻ, luôn vững tin dù trong hoàn cảnh nào.

