Menu
Từ thanh xuân Người thương dạy dỗ

Nhà sư phạm Shalva Amonashvili – Người Liên Xô bình luận:

“Bức tranh này được vẽ không phải dành cho trẻ em. Nó được vẽ dành cho người lớn. Để cho họ nhìn thấy là không nên tiếp đón một đứa trẻ như thế! Mà phải tiếp đón như con chó đang chào đón cậu bé. Con chó không quan tâm cậu bé về nhà với cái gì: về với điểm 2 hay về với điểm 5 - thì cậu vẫn là người bạn. Không nên tiếp đón trẻ em theo điểm số. Điểm số cũng chỉ là điểm số. Liệu rồi ngày mai đứa bé điểm 2 của các bạn có làm thay đổi cả thế giới ? Đứa bé điểm 3 của các bạn có trở thành một nghị sỹ, hoặc một vị bộ trưởng, hoặc một bác sỹ giỏi? Không phải những con số mà chính là những đối xử của chúng ta đối với đứa trẻ quyết định.”

Trong Tông Huấn Christus Vivit - Đức Kitô Sống, ngay chương đầu tiên, ĐTC Phanxico đã nhắc lại cho chúng ta về cách nhìn của Thiên Chúa về người trẻ rút từ trong Kinh Thánh. Ngài viết như sau: “Vào một thời đại mà người trẻ không được đánh giá cao, một số bản văn bản cho thấy rằng Thiên Chúa nhìn họ một cách khác hẳn”(CV.6). Người Việt Nam hay nói ‘Khôn chi trẻ, khỏe chi già’. Cũng giống như người già thì sức khỏe dần yếu đi, người trẻ chưa thể phát triển toàn diện, do đó nhiều khi còn mắc sai lầm, mà những sai lầm đó thì cũng bởi thiếu kinh nghiệm gây nên. Qua Kinh Thánh, ĐTC đã chỉ rõ về một Thiên Chúa gần gũi với người trẻ qua gặp gỡ, luôn hiểu người trẻ và mở rộng cảnh cửa để người trẻ hướng đến những sứ vụ Thiên Chúa dành riêng. Thử xem, Lời Thiên Chúa nói gì về người trẻ?

Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đến với người trẻ và giúp họ hiểu về chính mình hơn. Giuse là đứa con nhỏ trong gia đình (St 37,2-3) nhưng Thiên Chúa bày tỏ cho cậu ấy những điều lớn lao trong các giấc mơ, và khi chỉ mới 17 tuổi, cậu đã trổi vượt hơn các anh mình trong những chuyện quan trọng (St 37, 47). (CV.6). Mở sách Thủ lãnh chương 6, chúng ta bắt gặp một người trẻ thẳng thắn, Ghi-đê-ôn nói với Đức Chúa: "Nhưng nếu Chúa ở đây với chúng tôi, thì tại sao tất cả những điều này lại xảy ra với chúng tôi?". Thiên Chúa đáp lại: "Với sức lực ngươi có, hãy đi mà cứu Israel!" (CV.7). Samuel là một ngôn sứ lớn, lúc còn nhỏ cậu đã được nói chuyện với Chúa, Chúa đã gọi cậu lúc đêm khuya và cậu mở lòng: "Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe." (CV.8). Chúng ta thường nghe sách tiên tri Giêrêmia, Giêrêmia được Chúa chọn gọi lúc còn nhỏ. Dù nhận mình không biết ăn nói, Thiên Chúa nhắc rằng: "Đừng sợ, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi" (CV.10)

Những người trẻ được Chúa tỏ ra trong Cựu Ước khá bối rối, Thiên Chúa biết điều đó, Ngài gia tăng lòng tin vốn có để họ can đảm thi hành những điều lớn lao. Kết quả thực sự xảy ra là họ làm được những điều to lớn khi chấp nhận cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa. Vẻ đẹp của tuổi trẻ nằm trong tâm hồn chứ không phải những thứ trình diễn bề ngoài, Thiên Chúa không nhìn vào tuổi, vóc dáng nhưng nhìn sâu thẳm trong nội tâm người trẻ, Thiên Chúa thấy được điều không ai thấy, đó mới là vẻ đẹp thật sự. ĐTC hỏi các bạn trẻ: "Liệu điều gì có thể xảy ra khi sự can đảm của tuổi trẻ được kết nối với sức mạnh của Thiên Chúa?" (CV.10) …

Thiên Chúa đến gần với người trẻ trong thời Cựu Ước thì trong thời Tân Ước, Thiên Chúa cũng làm như vậy, Thiên Chúa luôn mời gọi người trẻ. Trong dụ ngôn người Cha nhân hậu (Lc 15, 11-32), Chúa Giêsu kể về người con trẻ tuổi hơn đã muốn chia tài sản, muốn rời xa người Cha để đi tìm cuộc sống riêng (CV.12). Cách đi tìm độc lập thái quá của người con thứ này khiến cậu rơi vào thế chân tường. Dù vậy, cậu đã muốn trở về! Trở về là một động từ được nhắc nhiều trong Kinh Thánh, như Chúa Giêsu trở về cùng Chúa Cha (Ga 14, 12); Chúa Giêsu trở về quê hương Nazareth là nơi Người sinh trưởng (Mc 6, 1-6); Thánh Giuse đem Chúa Giêsu và Mẹ Người trở về từ Ai Cập (Mt 2, 19-23). Thái độ trở về của người con thứ khiến người Cha vui mừng. Thiên Chúa cũng vậy, Ngài chậm giận và giàu tình thương, dù giận trong chốc lát nhưng yêu thương suốt cuộc đời. Người trẻ dễ sai lỗi nhưng biết trở về với tình yêu vô bờ của Chúa thì đó mới là một người trẻ đáng khen. ‘Vị thánh nào cũng có quá khứ, tội nhân nào cũng có tương lai’, quả thế trước mặt Thiên Chúa tất cả đều là tội nhân, nhưng mỗi người trẻ có thể thay đổi để sống đẹp lòng Chúa hơn. Nói về ‘thay đổi’ hay ‘hoán cải’, Thánh John Henry Newman, mẫu gương của thay đổi đã nói:” Sống là thay đổi, để hoàn thiện cần phải thay đổi nhiều hơn”, Thánh nhân đã trở về Công Giáo từ Anh Giáo lúc Ngài 44 tuổi.

Sách Tông Huấn đoạn 17 kể về chàng trai trẻ đến với Chúa Giêsu và đặt câu hỏi: "Con phải làm gì để có được sự sống đời đời". Chúa Giêsu nói với anh: "Hãy bán hết những gì anh có mà chia cho người nghèo, anh sẽ có một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo tôi!". Nhưng có vẻ chỉ tiêu của Thầy Giêsu quá cao, anh buồn rầu bỏ đi. Thánh Sử Máccô không giải thích rằng anh không tin vào kho tàng trên trời nơi Lời Chúa Giêsu nói nhưng chỉ giải thích ngắn gọn do anh ‘có nhiều của cải’. (Mc 10, 17-22). Người trẻ thời đại hôm nay có khi nào cũng quên Chúa vì ‘có nhiều của cải’? Người trẻ hôm nay có nhiều tài sản. Họ được đào tạo nơi các trường học, được tiếp thu nhiều kiến thức của nhân loại qua các phương tiện kĩ thuật số hiện đại. Họ có một cuộc sống vật chất sung túc, có một tương lai khát khao thành công, giàu có. Người trẻ thời nay có một sự nổi tiếng nhất định, có trên tay smart phone, họ có hàng trăm, hàng ngàn người follow trên Facebook, Instagram. Những bức ảnh ngàn like trên mạng xã hội rất quan trọng với họ.

Những câu nói như là Ảnh này nhiều like nè, 50 triệu view luôn đấy, … vv, được các bạn trẻ hay dùng, thật khác xa với thời gian cách đây 20 năm. Liệu những giá trị ảo và hời hợt đó có giúp giới trẻ thoải mái thực sự, hay đó là sự ồn ào chóng qua. Sự hấp dẫn của Facebook có làm người trẻ Công Giáo đánh mất sự hấp dẫn đích thực vào Chúa Giêsu, Đấng luôn mãi trẻ trung (CV.13) và có sức mạnh đem lại hạnh phúc mãi mãi. Người trẻ thời đại công nghệ được mời gọi luôn ‘online’ để trò chuyện cùng người bạn Giêsu. Để không bị ‘nghẽn mạng’, chính mỗi người trẻ Công Giáo được ĐTC chỉ dẫn ‘truy cập vào đường link’ tìm kiếm các nhân vật trẻ trong Kinh Thánh để học cách sống tỉnh thức, vui tươi, dám thay đổi, dám ước ao dâng hiến cho Chúa để phục vụ tha nhân.

Cho dù là ai đi nữa cũng chỉ có một tuổi trẻ, tuổi trẻ được Thiên Chúa ban tặng là một phúc lành quý giá. Đón nhận tuổi thanh xuân với tâm tình biết ơn để đáp lời mời gọi trở nên hạt giống biết thối đi mới có thể mọc lên sinh hoa trái, làm đẹp vườn hoa Nước Trời. Cậu bé trong bức tranh “Lại điểm 2” đã rất buồn, cậu vẫn muốn đợi chờ thời điểm đó qua nhanh để làm lại, để cố gắng. Chú chó là không đủ để làm cậu vui ngay lúc đó và cậu không biết rằng có một Đấng, Đấng hiểu thấu mọi tâm hồn, có thể an ủi trái tim đang đau khổ của cậu. Chúa Giêsu vẫn luôn chờ đợi cậu bé điểm 2 cũng như tất cả mọi người trẻ mang trong mình niềm vui, nỗi buồn, ưu tư, ước mơ. Ngài là người bạn tốt nhất, cũng chính là gia nghiệp đời đời của mỗi người trẻ chúng ta.