
Nói về thư pháp Công giáo một cách say mê, Nhà thư pháp “bí ẩn” chia sẻ: “Một bức thư pháp, đối với người thưởng lãm, cần mang 4 yếu tố: Tâm, Ý, Khí, Lực. Tuy nhiên, trong Thư pháp Việt Công giáo, còn có thêm một giá trị nữa cao hơn, đó là giá trị của Đức Mến. Tôi nhìn nhận rằng Đức Mến phải được đặt trước 4 yếu tố kia…”. Để hiểu rõ hơn về khái niệm thư pháp Công giáo này, chúng ta hãy cùng lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của nghệ sĩ này nhé!
Mình là Theresa Tô Phương Thảo, bút danh thư pháp Nhã Lâm. Mình đã tham gia thư pháp khá lâu và chính thức tìm hiểu sâu vào thư pháp Việt dưới góc nhìn Công giáo (gọi tắt là Thư pháp Việt Công giáo) khoảng 6 năm trở lại đây. Hiện tại, mình đang cộng tác với Ban Giá trị - Kỹ năng sống trực thuộc Ủy ban Giáo dục Công giáo. Bên cạnh đó, mình cũng đang hoàn thiện tập sách nghiên cứu về Thư pháp Việt Công giáo - là chắt lọc, học hỏi và phát triển những quan điểm, đề tài Thư pháp Công giáo do các bậc tiền bối đã có công khai phá. Đồng thời, mình cũng phụ trách lớp Thư pháp Việt Công giáo tại Nhà mục vụ - Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Kỳ Đồng vào mỗi tối thứ sáu hàng tuần - đây được xem như lớp học Thư pháp Việt Công giáo đầu tiên ở Việt Nam.
Theo mình, để tạo ra một tác phẩm thư pháp, trước hết người viết cần có một đôi mắt nhìn bằng đức mến, tấm lòng rộng mở, không cố chấp. Sau là, cần các yếu tố: THẦN, Ý, TRÍ, LỰC.
THẦN: tức là đặt cái hồn vào trong nét chữ, điều này có thể nói đến sự tập trung, trạng thái tinh thần và sự thăng hoa trong tâm hồn người viết, và qua đó, khi xem một tác phẩm, ta hiểu được tâm tư, tính cách của tác giả.
Ý: tức là nội dung mà tác giả thể hiện là gì, đường nét, cách trang trí, minh họa có nghĩa gì... đôi khi người viết ẩn ý rất sâu sắc trong tác phẩm của mình.
TRÍ: tức là phần khéo léo trong cách bố cục, màu sắc của tác giả.
LỰC: tức là kỹ năng viết, lực viết, những yếu tố này có phù hợp với ý, với nội dung tác phẩm không? Ví dụ như hào hùng, mềm mại, bay bổng...
4 yếu tố trên là 4 yếu tố thường được sử dụng để tạo ra một tác phẩm thư pháp, cần ḥòa quyện vào nhau. Tuy nhiên, với thư pháp Công giáo thì không chỉ dừng ở đó.
Điều đầu tiên dẫn đến khác biệt của thư pháp Công giáo, đó là lòng mến. Lòng mến được thể hiện trong chính tâm hồn của người viết, sau là đến người tặng, rồi lan tỏa ra đến người xem hoặc người được tặng.
Trước hết, đó là lòng yêu mến Chúa cách đặc biệt, khi bạn ý thức được rằng Chúa đã yêu thương và cho bạn đôi tay này, đôi tay đang cầm bút. Bạn ý thức Chúa đã yêu thương và cho bạn trí não này, trí não đang nghĩ đến một nội dung ý nghĩa mà bạn sắp viết, trí não đang điều khiển đôi tay bạn. Lòng yêu mến đó còn thể hiện ở nội dung mà bạn chọn viết. Bạn yêu mến câu Lời Chúa đó, nên bạn viết câu đó, bạn bị đánh động bởi lời hay ý đẹp đó nên bạn muốn viết về điều đó.
Kế đến, phải nói đến lòng yêu mến con người. Bạn viết không chỉ nói lên: bạn yêu mến Chúa, mà khi một ai đó đọc vào bức tranh của bạn - họ cảm nhận được rằng "tôi muốn gửi gắm lời yêu thương này đến bạn", "bạn và tôi sẽ cùng nhau tập nhân đức này nhé" hoặc "bạn và tôi hãy cùng nhau sống đẹp lòng Chúa thế này nhé", điều này thể hiện cách rõ ràng khi người ta tặng tranh thư pháp Công giáo cho nhau.
Việc thể hiện câu chữ một cách nghiêm túc cũng chính là làm tôn lên vẻ đẹp của chữ quốc ngữ trong tranh thư pháp Công giáo, đó cũng là thể hiện một niềm tự hào, sự gìn giữ, và lòng biết ơn sâu sắc đối với những người có công tạo nên nền tảng chữ quốc ngữ.
Điểm khác biệt nữa của thư pháp Công giáo chính là đời sống nội tâm hay đời sống thiêng liêng. Như khi viết một câu lời Chúa, bạn phải nghiền ngẫm câu đó, và phải cầu nguyện, để lời Chúa đụng chạm đến tâm hồn bạn và sau cùng là xin Chúa Thánh Thần tác động để có thể viết câu lời Chúa mà mình muốn qua ng̣òi bút trên tay mình.
Một điểm khác biệt nổi bật nữa của thư pháp Công giáo chính là nội dung. Kho tàng Kinh Thánh của chúng ta rất đồ sộ và giá trị. Lời hay ý đẹp của các Thánh nhân rất phong phú. Mình thấy rất hấp dẫn.
Thư pháp Việt Công giáo không chỉ hướng đến việc rèn luyện khả năng dùng bút, khả năng sáng tác nghệ thuật, mà còn nhắm đến rèn luyện nội tâm và sự trưởng thành. Trong sự tĩnh lặng, đó là một không gian tốt, để bạn gặp gỡ Chúa, gặp gỡ tha nhân và chính mình. Nếu nội tâm bạn bộn bề nhiều thứ, bạn sẽ rất khó viết, điều này bạn có thể tham quan lớp thư pháp của mình và thấy được rằng nơi đó tĩnh lặng về không gian và là cơ hội để rèn luyện sự tĩnh lặng trong tâm hồn.
Nhìn chung, nội dung các tác phẩm thư pháp Công giáo đều quy hướng mọi sự về Thiên Chúa. Trong những bức tranh chữ thư pháp, có thể truyền tải một thông điệp Tin Mừng trích từ Kinh Thánh, hoặc những lời hay ý đẹp của các Thánh nhân. Tất cả những nội dung ấy mang chiều kích thiêng liêng, nâng con người hướng về Chúa, khuyên bảo con người trở nên "hoàn thiện" như lòng Chúa muốn, đồng thời khi chúng ta trao tặng cho nhau những bức tranh chữ thư pháp Công giáo còn thể hiện một sự "nâng nhau" lên cùng hướng về Thiên Chúa.
Vì "anh em đã được ban cho nhưng không, thì hãy cho đi cách nhưng không", nên những tranh chữ thư pháp từ trước đến nay hầu hết là đem tặng. Và trong tương lai, mình vẫn có ý định tặng hơn là thương mại, hoặc nếu có, những bức có giá trị cao sẽ tập hợp lại để tổ chức triển lãm, có thể gây quỹ trong dịp triển lãm đó. Nhưng đó vẫn là một dự định xa và cũng cần cân nhắc thêm.
Sắp tới mình dự định mở thêm lớp vào tối thứ ba và sáng thứ bảy. Hy vọng Thư pháp Việt Công giáo sẽ lan tỏa và có cơ hội đến với các Giáo phận khác. Nếu Giáo phận, giáo hạt, dòng tu nào có nhu cầu mở lớp hoặc có thể "tài trợ" địa điểm tổ chức lớp học, chúng mình cũng rất sẵn sàng.
Bên cạnh đó, sau một thời gian học, luyện tập, những bạn đạt yêu cầu sẽ được mời tham dự các buổi đi viết tặng thư pháp cho các mái ấm, giáo xứ, dòng tu hoặc tại các buổi hoạt động khác của giáo hội địa phương.
“Tâm trí con người nghĩ ra đường lối, còn Thiên Chúa hướng dẫn từng bước đi”. Mong rằng với những chia sẻ chân thành, cùng với tình yêu Thiên Chúa, chị có thể đem Chúa đến với nhiều người hơn qua những bức thư pháp Công giáo của mình.
Lớp học Thư pháp Công giáo
- Thời gian: Tối thứ sáu hàng tuần, 17g45 – 19g15
- Địa điểm: 38 Kỳ Đồng, Quận 3, TP.HCM (Nhà mục vụ, lầu 1, bên cạnh Nhà nguyện Hiệp Nhất)
- Đăng kí tham gia lớp thư pháp Công giáo tại group: Thư Pháp Việt Công giáo