Menu
Hai

Tiến sĩ Hội thánh là một tước hiệu đặc biệt với Hội thánh Công giáo. Tiêu chuẩn để quyết định cho một người nhận tước vị này là mức độ thánh thiện và sự hiểu biết cao sâu, giáo huấn của họ mang lại lợi ích lớn lao cho đời sống của Giáo hội. Tháng 10 là tháng đặc biệt quan trọng với các chị em dòng Cát Minh (Camelo) bởi hai “Đại Thánh” của họ cùng được kính nhớ: Thánh Têrêsa Lisieux (Têrêsa Hài Đồng Giêsu hoặc Têrêsa Thánh nhan) và Thánh Têrêsa Avila (Têrêsa Giêsu). Cả hai vị đều được tôn phong là Tiến sĩ Hội thánh.

Thánh Têrêsa Avila, còn được biết đến với danh hiệu Thánh Têrêsa Giêsu. Ngài đã để lại cho hậu thế rất nhiều sách hướng dẫn tu trì và đời sống thiêng liêng. Nổi bật là bộ tự truyện “El libro de la vida” được viết năm 1565. Thánh nhân gọi đây là “quyển sách về lòng thương xót của Thiên Chúa” nhằm nhấn mạnh sự hiện diện và hành động của một Thiên Chúa đầy lòng xót thương trong cuộc đời Ngài. Ngoài ra, tác phẩm nổi tiếng thần bí, cũng là tác phẩm lỗi lạc nhất của Ngài là “Lâu đài nội tâm” (El Castillo interior -1577). Tác phẩm là một lối giải thích khác về hành trình tâm linh của chính Thánh nhân. Đây là tập sách về chỉ dẫn cách phát triển đời sống Kito hữu đến mức toàn diện, dưới tác động của Chúa Thánh Thần.

Về hướng dẫn đời tu, Thánh Têrêsa Avila có 2 tác phẩm nổi tiếng: “Đường trọn lành” (El Camino de Perfeccion - 1566) bao gồm các hướng dẫn và lời khuyên dành cho các tập sinh của ngài và “Sách các nền tảng” (Libro de la fundationes) được viết trong khoảng các năm 1573 đến 1582 để trình bày, hướng dẫn về đời sống của những cộng đoàn tu sĩ mới hình thành.

Đối lập hình ảnh với một Đại Thánh sáng lập dòng tu, cải cách lối sống, mở mang giáo dục,… là một vị Thánh bé nhỏ, “hậu bối” với thánh Têrêsa Avila tới 300 năm, cùng là đan sĩ dòng Cát Minh. Đó là thánh Têrêsa Lisieux (1873 -1879). Đây là vị Thánh qua đời rất trẻ, khi chỉ mới 24 tuổi. Ngài chỉ sống trong bốn bức tường của dòng kín. Nhưng sau khi mất, người ta vô tình đọc được hồi ký “Truyện về cuộc đời” của Ngài, được xuất bản một năm sau đó với tựa đề “Truyện một tâm hồn”, cả thế giới phải ngã mũ thán phục về tư tưởng và cuộc đời của Ngài.

Chưa đầy 15 tuổi, Ngài đã trở thành nữ tu Cát Minh với mong muốn “cứu vớt các linh hồn và cầu nguyện cho các linh mục”. Cùng thời điểm đó, cha của Ngài bắt đầu trải qua một căn bệnh tinh thần trầm trọng và đau đớn. Điều đó khiến Ngài luôn chiêm niệm về dung nhan Đức Giêsu trong cuộc Khổ nạn. Vì thế, khi là một nữ tu, Ngài chọn danh hiệu Têrêsa Hài Đồng Giêsu và Têrêsa Thánh Nhan để diễn tả hành trình cuộc đời của Ngài trong sự hiệp thông với các mầu nhiệm trọng tâm của Kitô giáo (Nhập thể và Cứu chuộc).

Thánh nhân đã sống những tháng ngày trong sự đau khổ triền miên của bệnh tật. Có thể nói, 18 tháng cuối cùng của cuộc đời Người là một cuộc tử đạo không ngừng. Thân xác bị đau đớn, nội tâm bị thử thách. Nhưng, thánh nhân đã sống hết mình vì tình yêu. Cũng như Đức Maria đã kiên vững đứng kề bên Thánh Giá Chúa, Têrêsa đã sống bằng đức tin phi thường nhất, như một luồng ánh sáng trong chốn tăm tối đang xâm chiếm linh hồn Ngài. Chị nữ tu Cát Minh nhận thấy rằng, mình đang trải qua cuộc thử thách lớn lao vì ơn cứu độ cho tất cả những người vô thần của thế giới hiện đại, những người mà Thánh nhân gọi một cách thân thương là “những người anh chị em của tôi”.

Trong khi chiến đấu với bệnh tật, Têrêsa đã sống tình huynh đệ một cách mãnh liệt với các chị em nữ tu trong cộng đoàn, với hai vị truyền giáo – những người anh em tinh thần, với các linh mục, với tất cả mọi người, đặc biệt với những ai đang ở nơi xa nhất. Ngài thực sự đã trở thành một “người chị em” cho mọi người. Giữa cơn thử thách lớn lao, Têrêsa trở thành “Tình yêu giữa lòng Giáo hội” bằng cách thực hiện những điều tầm thường nhất trong đời sống hằng ngày với một tình yêu phi thường, lớn lao.

Têrêsa đã an nghỉ tối ngày 30/9/1987 khi đang ngắm nhìn Thánh Giá Chúa nắm chặt trong tay, sau khi thốt lên lời cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa của con, con yêu mến Ngài!”. Những lời thổ lộ đơn sơ sau cùng này là trọng tâm toàn bộ các tác phẩm của Têrêsa. Nơi Têrêsa, hành vi yêu mến biểu lộ trong giây phút cuối đời như hơi thở liên tục của linh hồn, là nhịp đập không ngừng của con tim.

Cuộc đời của hai vị nữ Tiến sĩ Hội thánh là cuộc đời của tình yêu, của việc gắn kết mật thiết hoạt động cầu nguyện với Thiên Chúa, qua đó linh hồn được nuôi dưỡng và hợp nhất được với Ba Ngôi Thiên Chúa. Xin hai Thánh nhân cầu bầu và chỉ dẫn cho Giáo hội hoàn vũ, Giáo hội Việt Nam và mỗi người trong chúng ta trong thời đại này. Amen.