Chúng tôi không có Đức Giám mục người Việt đồng hành (vì chuyến bay của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên bị delay hơn một ngày ở Mỹ). Số bạn trẻ Việt đến tham dự cũng rất ít. Hơn 9g sáng, nhà thờ vắng tanh, trừ một số tình nguyện viên và một vài người Việt (là chúng tôi) đang chuẩn bị chương trình, vì dù có ai đến hay không, mọi thứ vẫn cứ diễn ra (thật ra lúc đó tôi đã từng hy vọng, thà đừng ai đến thì hơn). Trong khi đó, ở ngoài kia, trên các con đường, các công viên hoặc những nhà thờ khác, hàng ngàn bạn trẻ đang hòa vào không khí tưng bừng của ngày hội. Những bạn trẻ Việt lại đang ở đâu đó, nơi mà chúng tôi không biết, cũng không nắm được số lượng nhiều hay ít và hoàn toàn không chắc họ có đến với chúng tôi hay không.
Hơn 10g sáng, ban tổ chức giúp chúng tôi “chữa cháy” bằng cách cử hai Đức Cha người nước ngoài đến thay thế. Ngài nói tiếng Anh, trong khi đó, số người đến tham dự vẫn lác đác, đa phần lại là người dân bản địa và một nhóm khoảng gần 20 bạn đến từ Chile, đều giao tiếp bằng tiếng Tây Ban Nha. Cũng vì thế, chương trình phải thay đổi hoàn toàn so với ban đầu.
Cả nhóm chúng tôi, mỗi người cứ thấy việc là xông vào. Em quay phim, chụp hình, bây giờ đã kiêm luôn chiếu máy chiếu, làm diễn giả và những việc không tên khác. Chúng tôi dâng lễ, hát lễ, đọc sách và làm tất tần tật những việc thiếu người. Nhìn cảnh mọi người tất bật. Tôi lại càng cảm thấy mình vô dụng. Thực sự, chưa bao giờ tôi thấy mình trở nên vô dụng như thế. Chưa bao giờ tôi thấy cần những “đồng bọn” của mình bên cạnh như lúc này.
Ngày thứ hai rồi thứ ba, bắt đầu có những bạn trẻ biết thông tin và đến tham dự. Đức Cha từ Mỹ và một số bạn đồng hành khác đã đến. Chúng tôi cũng vui mừng khi thấy nhiều bạn trẻ Việt Nam đến, một số linh mục và Giám mục người Việt từ các quốc gia khác cũng đến. Không khí bắt đầu náo nức, tưng bừng, có lúc xúc động dâng trào vì nhìn thấy những dáng dấp nhỏ bé của người Việt xuất hiện, nghe thấy được những câu chào nhau bằng tiếng Việt đâu đó trong nhà thờ.
Nhưng chúng tôi gặp một số khó khăn khác. Chương trình trong tình trạng liên tục bị thay đổi để phù hợp với nhóm sẽ đến ngày hôm đó. Có những thánh lễ rất đặc biệt, chúng tôi gọi vui là “Thánh lễ liên hợp quốc”. Vì tất cả các nhóm đến tham dự đều được mời góp một phần nhỏ trong thánh lễ. Nhóm bạn trẻ ở giáo xứ sẽ hát bài ca nhập lễ bằng tiếng Tây Ban Nha, một bạn người Việt sẽ đọc bài đọc, một nhóm bạn Chile sẽ hát đáp ca, một nhóm khác từ Croatia đảm nhận bài ca hiệp lễ bằng ngôn ngữ của họ,… và rất nhiều kiểu sắp xếp tương tự tùy theo ngày. Thánh lễ cứ thế diễn ra, tất nhiên chúng tôi không tài nào hiểu hết những ngôn ngữ đó, nhưng đến phần của ai, tự động mọi thứ sẽ đâu vào đấy. Riêng nhóm người Việt chúng tôi, mỗi người đang ở đâu đó trong nhà thờ, khi bài thánh ca tiếng Việt vang lên, ngay lập tức, mọi người chẳng ai bảo ai, sẽ chạy ngay về phía ca đoàn để hát chung. Chúng tôi trở thành ca đoàn bất đắc dĩ, nhưng vẫn không ngại cất lên những lời ca tha thiết mang âm điệu và văn hóa người Việt.
Suốt 3 ngày, số lượng người Việt đến dự Giáo lý Việt ngữ ít hơn nhiều lần so với mong đợi. Đó là bài học và kinh nghiệm cho chúng tôi trong việc thông tin và kết nối. Nhưng trong một phạm vi nhỏ, nhóm chúng tôi hiểu được, sự gắn kết là điều cần thiết và sẵn sàng làm việc vì chương trình chung. Mấy hôm nay, tôi ngẫm nghĩ mãi về hai chữ “gắn kết”. Nếu những trái tim đều nghĩ về nhau và nghĩ về việc chung, chắc chắn người trẻ sẽ tự biết họ nên làm gì.