Menu
Mùa chay kéo dài hơn một năm

Mùa Chay kéo dài

Mùa Chay nay lại trở về với Giáo hội. Tuy nhiên phải thú thật, mình cảm thấy mùa Chay đã kéo dài hơn một năm. Tại Toronto, Canada, vào tháng 3 năm ngoái vì tình hình dịch bệnh COVID-19, các nhà thờ trong Tổng Giáo phận Toronto đã buộc phải đóng cửa kể từ Chúa nhật thứ III Mùa Chay. Mãi đến tháng 6, nhà thờ mới mở cửa trở lại với các Thánh Lễ với số ghế hạn chế, giãn cách. Tuy nhiên, kể từ Chúa nhật thứ I mùa Vọng, cuối tháng 11/2020, phần lớn các nhà thờ trong Tổng Giáo phận Toronto một lần nữa phải ngưng việc cử hành Thánh lễ có giáo dân tham dự. Nay, khi mình viết bài này đã là thứ hai sau Chúa nhật thứ III mùa Chay nhưng vẫn chưa có Thánh Lễ.

(Giáo đường tại Toronto - Canada)

Hồi đầu năm phụng vụ này, mình cứ ngỡ rằng là, “Thôi, mọi người hy sinh mùa Giáng sinh này – may ra sẽ được tụ họp với nhau tại nhà thờ để cử hành các nghi thức và phụng vụ Tuần Thánh.” Nhưng đến nay, với tình hình COVID cứ lên lên, xuống xuống ở Toronto, tình hình cũng không mấy khả quan cho lắm trong Tuần Thánh năm nay. Khổ hơn nữa, thành phố Toronto hôm nay đã mở lại một số tiệm buôn bán, với giới hạn 25% người (tức nếu tiệm chứa được 100 người, thì 25 người được vào). Tuy nhiên, các nhà thờ vẫn bị giới hạn ở mức 10 người, dù nhà thờ ấy chứa được 100 người hay 1500 người. Hiện nay, Đức hồng y Thomas Collins, Tổng Giám mục Giáo phận Toronto đang làm việc với chính quyền để nâng cao mức giới hạn này kịp thời cho Tuần Thánh, may ra, ít nhiều giáo dân có thể tham dự những nghi thức và phụng vụ của cao điểm năm phụng vụ.

Đã có “mùa xuân” thì nắng hè sẽ đến

Tuy nhiên, trong tâm tình mùa Chay, mình mới dành thời gian suy nghĩ về định nghĩa của Mùa Chay, từ được gọi trong tiếng anh là “Lent.” Từ ‘Lent’ có nguồn gốc từ tiếng anh cổ - ‘lencten’ – có nghĩa là, “mùa xuân”. Hình ảnh của Mùa Chay và mùa xuân rất phù hợp ở Canada, vì thường mùa Chay bắt đầu vào khoảng giữa tháng 2 hoặc đầu tháng 3, tức là gần cuối mùa đông. Vào lúc này, tuyết vẫn còn phủ đầy đường phố. Tuy nhiên, gần đến Tuần Thánh, những cành cây và hoa bắt đầu mọc lên, tuyết hầu như đã tan.

Nếu một năm qua quả thực là “mùa Chay,” thì mình hy vọng là sau thời gian đại dịch này, mỗi người chúng ta sẽ là những con người mới. Về mặt đức tin, chúng ta sẽ có lòng yêu mến Bí tích Thánh Thể hơn, và không còn coi thường Thánh Lễ, ngay cả những Thánh Lễ ngày thường. Nhìn về mặt sinh hoạt giáo xứ, sau hơn một năm không được sinh hoạt trực tiếp, không có những buổi cắm trại, sinh hoạt đông, sinh hoạt hè, chúng ta sẽ trở lại với niềm hăng say, phấn khởi. Nhìn về mỗi con người, hy vọng sau thời gian này, con người ta sẽ yêu mến nhau hơn, nhường nhịn nhau hơn, cảm thông nhau hơn và nhất là trân quý những giờ phút bên nhau.

Trong năm qua, hình ảnh khiến mình nhớ nhất là những khoảnh khắc của 6:00 chiều giờ Rôma: Trời mưa nặng hạt, nhưng Đức Thánh cha một mình, đi bộ trong quảng trường Thánh Phêrô đến khán đài đã được dựng sẵn. Bình thường quảng trường Thánh Phêrô đông kín người khi Đức Thánh cha hiện diện. Nhưng hôm đó, ngày 27/3/2020, chỉ có ba người trong quảng trường: Đức Thánh cha, người đọc Lời Chúa, và Cha chưởng nghi Guido Marini. Trong cái vắng lặng của quảng trường hôm đó, Đức Thánh Cha đọc lên bài suy niệm dựa theo bài Tin mừng về Chúa Giêsu và trận cuồng phong (xem Mc 4, 35-41). Trong bài suy niệm, Đức Thánh cha nói,

“Như các môn đệ trong bài Tin Mừng, chúng ta bất ngờ bị bão tố hung bạo vùi dập. Chúng ta nhận thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất hướng, nhưng đồng thời tất cả đều quan trọng và cần thiết, tất cả được kêu gọi cùng chèo với nhau, tất cả đều cần an ủi nhau”.

Có lẽ câu nói ấy có thể tóm lại tình hình của nhiều người trên thế giới trong năm qua.

Tuy nhiên, giữa những trận cuồng phong của cuộc sống, mình luôn nhớ rằng: đã có “mùa xuân” thì nắng hè sẽ đến. Cái “mùa Chay” dài dài này rồi cũng sẽ qua đi. Cha xứ của Giáo xứ mình ở Toronto thường nhắc giáo dân trong một năm qua:

“Đã gọi là dịch thì sớm muộn gì thì cũng sẽ hết. Điều cần thiết bây giờ là chúng ta giữ an toàn cho chính mình và những người xung quanh”.

Dù ở trên con thuyền giữa biển lặng như tờ, hay giữa biển gào, sóng thét, quan trọng là cách mình giữ bác ái với nhau, cách chúng ta cư xử với nhau và cách chúng ta nâng đỡ tinh thần của nhau với ánh mắt lạc quan, đầy hy vọng.

Sẽ có ngày mọi sự sẽ trở lại “normal – bình thường” – đã có mùa Chay thì chắc chắn sẽ có Phục Sinh.

Bài viết : Vincent Việt Phạm
Hình ảnh : Ban Biên tập