Xuất khẩu lao động và du học là hai xu hướng đang ngày càng trở nên phổ biến đối với giới trẻ Việt Nam ngày nay, trong đó không ít bạn là người Công Giáo. Cuộc sống tại nước ngoài không hề dễ dàng, và giữ đức tin lại càng khó. Cùng tìm hiểu thực trạng này qua bài chia sẻ của bạn Nguyễn Khảm đến từ giáo phận Hà Tĩnh, nơi có trào lưu xuất cảnh rất mạnh
Việt Nam là một quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Trong lịch sử, Việt Nam là thuộc địa của Trung Quốc và gần nhất là thuộc địa của Pháp ở thế kỉ 20. Sau khi độc lập và thống nhất đất nước năm 1975, người dân Việt Nam bắt đầu xây dựng lại đời sống kinh tế, xã hội. Những tàn dư cũ kĩ và hoang tàn của chiến tranh khiến cho nền kinh tế vô cùng khó khăn, đời sống nhân dân vất vả trăm chiều.
Trong những năm đầu thế kỉ XXI, xuất hiện một sự chuyển biến mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam dần mở cửa và tham gia hợp tác với nhiều quốc gia theo sự chuyển mình chung của một thế giới toàn cầu hóa. Dẫn đến việc nhiều người trẻ ra nước ngoài tìm kiếm công việc thay vì chỉ làm việc trong nước như trước đây. Việc những người trẻ ra nước ngoài làm việc là một cơ hội rất tốt để cải thiện đời sống kinh tế và mở ra cho họ kiến thức về thế giới rộng lớn. Tuy nhiên, cũng không ít những khó khăn và thách đố lớn lao dành cho những người trẻ này.
Một cánh cửa khép lại, nhiều cánh cửa mở ra
Sau 12 năm đèn sách trên ghế nhà trường, các bạn học sinh bắt đầu nghĩ đến dự định cho tương lai. Họ ôm lấy hoài bão, khát khao về một cuộc sống tươi đẹp hơn. Trước mắt các bạn là những chọn lựa. Nên học đại học hay học một nghề nào đó? Chọn ngành nghề theo nhu cầu xã hội hay lợi thế của bản thân? Nên đi học xa nhà hay gần? Và trong số đó, có nhiều bạn trẻ Việt Nam đã chọn cánh cửa mang tên “nước ngoài”
Trong số này, những người trẻ chiếm đa số, dưới hình thức thực tập sinh hay xuất khẩu lao động. Để có được visa xuất ngoại, các bạn trẻ trải qua thời gian 6 tháng hay 1 năm để được đào tạo ngôn ngữ và các kĩ năng chuyên môn phù hợp. Thêm vào đó, họ cần một số tiền không hề nhỏ từ “những sổ đất” của gia đình. Khó khăn là vậy, nhiều gia đình Việt Nam cũng chấp nhận đánh đổi và hi vọng.
Nguồn: Số người Việt Nam lao động tại Hàn Quốc là bao nhiêu? (tuoitrexahoi.vn)
Những cánh cửa trước gió
Cách đây không lâu, một đài truyền hình lớn ở Nhật Bản là NHK có một bài đăng phản ánh những khó khăn những du học sinh và người lao động Việt Nam gặp phải. Đặc biệt, trước tình hình giãn cách do dịch bệnh, những vất vả trong chi tiêu, sinh hoạt của họ càng tăng lên. Không ít bạn trẻ phải trốn học và tìm việc làm thêm trái phép, nếu họ bị bắt thì sẽ bị gửi về nước. Cho dù không phải trong thời gian dịch bệnh, cuộc sống xuất ngoại vẫn luôn khiến các bạn trẻ gặp thách đố. Đó có thể là khác biệt trong ứng xử và văn hóa; có thể là phải sống tự lập hoàn toàn hay khó khăn về thu nhập. Đặc biệt, các bạn vẫn phải luôn giữ cho đời sống tinh thần và đời sống đức tin được hài hòa, triển nở. Thiết nghĩ, những người trẻ này luôn cần được bảo vệ và quan tâm từ gia đình, chính phủ, Giáo hội. Họ có thể tự do phát triển cách toàn diện tài năng, tri thức, nhân cách.
Cánh cửa đức tin sống động của người trẻ
Tại vùng Kanto xa xôi của đất nước Nhật Bản, những bạn trẻ Việt Nam vẫn luôn giữ cho ngọn lửa đức tin cháy sáng. Đó là nhóm bạn trẻ Công Giáo Việt Nam vùng Kanto. Lấy tinh thần “Hãy yêu đi rồi làm gì thì làm” của thánh Augustino, các bạn trẻ quy tụ lại với nhau trong tinh thần kết nối, chia sẻ. Nhóm được thành lập từ năm 2014 và chọn Chân phước Anre Phú Yên làm bổn mạng. Từ đó đến nay, nhóm trở thành ngôi nhà giúp cho rất nhiều bạn trẻ Việt Nam chia sẻ đức tin.
Fanpage giới trẻ Công Giáo Việt Nam vùng Kanto
Cánh cửa của hi vọng
Trong tông huấn Christus Vivit, ĐTC Phanxico nói rằng “Di dân mà một kiểu thức của thời đại chúng ta”. Thật vậy, người di dân trên thế giới ngày càng tăng lên. Đây là cơ hội thuận tiện sống nền văn hóa gặp gỡ cho từng người, từng dân tộc, từng nền văn hóa. Những bạn trẻ di dân Việt Nam đang học tập và làm việc tại nước ngoài có thể là những tác nhân mạnh mẽ nhất xây dựng nền văn hóa gặp gỡ này. Nhờ đó, thế giới càng xích lại gần nhau hơn. Và như thế, con đường huynh đệ, con đường tình thương đang tỏ hiện trên mặt đất.
Kết:
Cánh cửa là một phần thiết yếu của ngôi nhà và người trẻ cũng quan trọng như vậy. Cánh cửa mưu sinh nước ngoài mà rất nhiều người trẻ Việt Nam đã, đang và sẽ lựa chọn luôn có nhiều thách đố. Cánh của mưu sinh này không chỉ là một điểm đến, điểm dừng tạm hay để đi ngang qua.