Với 54 dân tộc trải dọc từ Bắc vào Nam, chắc chắn mỗi dân tộc trên dãy đất hình chữ S này đều có những nét đặc sắc riêng về văn hóa, trang phục, truyền thống và lối sống,… Nhưng hết thảy đều đẹp, quý giá, đáng được tôn vinh và giữ gìn. Đó là lý do một ngôi thánh đường mang đậm bản sắc văn hóa của các đồng bào dân tộc thuộc khu vực Tây Nguyên được cất lên ngay trung tâm thành phố Pleiku, Gia Lai (GP Kon Tum). Đó là nhà thờ Peichuet.
Ấn tượng đầu tiên của bất kỳ du khách nào khi đến đây là những họa tiết tinh tế với nhiều màu sắc sặc sỡ từ cổng cho đến khuôn viên nhà thờ. Được xây dựng năm 2005, có thể nói đây là một trong những nhà thờ được thiết kế theo mô hình nhà Rông đầu tiên của Giáo phận Kon Tum. Đây là lối kiến trúc nổi bật nhất của các dân tộc thiểu số như Jarai, Banar,…
Nếu mái đình gắn với cây đa, thì đi cùng nhà Rông chắc hẳn không thể thiếu cây nêu. Chính giữa khuôn viên nhà thờ là một cây nêu lớn với cây thập giá được tô vẽ đầy màu sắc nằm ở giữa. Với mỗi dân tộc khác nhau, biểu tượng cây nêu cũng có những ý nghĩa khác nhau. Đối với các dân tộc sinh sống tại Gia Lai, cây nêu là biểu tượng của sự kết nối, sung túc và thuận lợi.
Khi đến gần nhà thờ, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt rõ ràng nhất của kiến trúc nhà rông so với kiến trúc thông thường: nhà thờ nằm trên những thanh trụ cách mặt đất tầm 2 mét. Cách xây dựng này bắt nguồn từ thời xa xưa, khi họ sống ở những nơi hoang vắng, xung quanh là cây cối và rừng rậm nên có nhiều thú dữ. Vì vậy, họ đã xây nhà cao lên để tránh thú dữ vào nhà. Dần dà đặc điểm này trở thành một nét kiến trúc độc đáo.
Phần lớn nhà thờ Pleichuet được làm từ gỗ, từ cửa chính cho đến cung thánh. Nhưng không phải đơn thuần là một tấm gỗ trơn mà được khắc lên những họa tiết khác nhau. Khác với vẻ ngoài đầy họa tiết và màu sắc, bên trong nhà thờ khá đơn giản nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng. Cung Thánh được trang trí với họa tiết thổ cẩm, những chiếc cồng chiêng treo 2 bên, và một cây nêu nhỏ. Đặc biệt, bên trong nhà thờ không có ghế và bục quỳ, vì người dân nơi đây tham dự thánh lễ bằng cách ngồi trên sàn nhà.
Nếu có cơ hội ghé đến nhà thờ Pleichuet, đừng quên ghé thăm nghĩa trang giáo xứ. Nơi linh cửu của Cha Antôn Vương Đình Tài đang được lưu giữ, Ngài là cha chánh xứ, cũng là một trong những linh mục tiên khởi của Dòng Chúa Cứu Thế đi truyền giáo tại vùng đất Tây Nguyên. Cha được dân làng ưu ái gọi là “Ơi Tài”, theo tiếng Jarai nghĩa là “Ông Tài” (“Ông” trong cách gọi “ông nội, ông ngoại”).
Phần mộ của cha cũng được trang trí bằng các họa tiết thổ cẩm, xung quanh là những bức tượng với khuôn mặt buồn bã. Đa phần nghĩa trang của các đồng bào người Jarai, Bahnar thường có những bức tượng này để thể thiện sự thương tiếc dành cho người đã khuất. Có một hình ảnh đặc biệt, gần phần mộ của cha là cây bồ đề lớn với hình cây Thánh giá. Theo người dân kể lại, trước đây đó là một cây Thánh giá gỗ. Sau đó một cây bồ đề nhỏ tự mọc trên thanh ngang của thánh giá, qua thời gian cây phát triển xanh tươi và đâm rễ xuống, tạo nên một cây thánh giá đặc biệt
Hành trình truyền giáo cho các đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên đã bắt đầu từ rất lâu. Người khởi xướng là Đức Cha Cuénot - Giám mục Giám quản hạt Tông Tòa Đông Dương Qui Nhơn. Năm 1851, Ngài đặt nền móng đầu tiên cho công cuộc truyền giáo. Vì vậy, chỉ với một vài trang không thể kể hết tường tận hành trình này. Nhưng những quả ngọt nó tạo ra thì mọi người, đặc biệt là người dân nơi đây đều có thể cảm nghiệm sâu sắc. Sự ảnh hưởng của các linh mục nước ngoài và trong nước lúc bấy giờ như một thứ ánh sáng đặc biệt; đầu tiên, giúp giảm dần những cuộc ẩu đả, đánh đấu giữa các bộ lạc, các buôn làng; sau đó là tạo ra sự kết nối giữa người Kinh và các dân tộc ít người khác để việc dạy giáo lý và Kinh Thánh và dễ dàng hơn. “Họ sẽ phải mạnh mẽ đứng trước trách nhiệm truyền giáo và những đòi hỏi cộng tác vào công cuộc loan báo Tin Mừng cho người anh em thượng mà họ đang cùng chung sống trong một vùng đất.” (Linh mục Christian Simonnet).
Việc truyền giáo ở vùng đất này có thể được chia thành 3 giai đoạn: Gieo hạt, nảy mầm và phát triển. Sự phát triển này có thể dễ dàng nhận thấy qua số giáo dân người đồng bào tại đây ngày càng tăng thêm, tính đến năm 2017, tổng số người công giáo ở đây là 844.192 người trong đó dân tộc thiểu số là 329.791 người. (theo thống kê của báo Mặt Trận).
Tuy thành quả của công cuộc gieo hẹt đức tin được thu về bội thu, song vẫn còn những khó khăn hiện tại trong việc gieo mầm ơn gọi, thiếu thốn vật chất và cả tinh thần. Nhưng với những bước đi mạnh mẽ của những người đi trước hy vọng sẽ tạo nên nền móng để việc truyền giáo ở đây đi xa hơn.
Nhà thờ thuộc đường Trương Định, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku.
Từ trung tâm, tại khách sạn Hoàng Anh Gia Lai chạy thẳng theo đường Lê Duẩn tầm 4,5km.
Sau đó rẽ phải vào đường Trương Định. Chạy khoảng 350m sẽ gặp nhà thờ phía bên trái.