Sau một quảng đường lên và xuống đèo, chúng tôi đến Quy Hòa – một ngôi làng thuộc phường Gềnh Ráng, TP. Quy Nhơn – vào một buổi chiều tháng 5 khá nắng nóng. Nhưng đó chỉ là mới bắt đầu cho một cuộc hành hương lên Núi Đức Mẹ, hay còn được gọi là núi Xuân Vân. Đây là một trong ba ngọn núi cao nhất tại Quy Nhơn với độ cao gần 242m. Có lẽ ngọn núi này khá quen thuộc với người dân nơi đây, nhưng rất đáng tiếc là không được nhiều khách du lịch biết đến, kể cả những vị khách Công giáo.
Mùa Xuân ở trên cao
Đường lên núi gồm 14 chặng, tương ứng với 14 chặng Thương Khó của Chúa. Mỗi chặng được đánh dấu bằng những tấm bia bên cạnh đường đi. Điều khác biệt của ngọn núi này so với 2 ngọn núi còn lại của thành phố là thay vì men theo những con đường mòn, nơi đây có những bậc cấp được xây bằng đá và xi măng từ chân núi đến đỉnh với hơn 2000 bậc. Theo lời chia sẻ từ một số người dân, con đường này được xây dựng bởi người đi hành hương, mỗi người một tay, người bê gạch người bê cát, lâu ngày người dân có đủ vật liệu để xây dựng con đường này. Đặc biệt, các tu sĩ dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã mở đường vào những năm 50-60 của thế kỷ trước để mọi người có thể đến đây cầu nguyện. Đường lên núi khá dốc và có những đoạn hơi khó đi, nhưng việc trải qua một đoạn đường dài khó khăn để được đến gần Mẹ là điều thật sự xứng đáng. Chắc có lẽ, đó là lý do tên gọi khác của núi này là Xuân Vân, nghĩa là Mùa Xuân ở trên cao. Càng tiến gần đỉnh núi, chúng tôi càng cảm nhận rõ bầu khí trong lành và yên bình, khác hẳn với bầu không khí dưới chân núi. “Mẹ là mùa Xuân đem sức thiêng cho cõi lòng. Mẹ là mùa Xuân muôn kiếp muôn dân đợi trông”.
Chặng thứ 13 – Nơi Đức Mẹ chờ ta
Một Bức tượng Mẹ Maria được xây dựng ngay chính giữa khoảng đất tại chặng thứ 13, dưới chân Mẹ là dòng chữ tiếng Latinh “O clemens, o pia, o dulcis, Virgo Maria” nghĩa là “Ôi khoan thay, nhân thay, dịu thay, Thánh Maria trọn đời đồng trinh”. Như chặng thứ 13 trong hành trình Thương khó của Chúa Giêsu, khi xác Người được tháo xuống phó trong tay Mẹ, người đang khắc khoải theo dõi con yêu dấu của mình chịu khổ, bây giờ cũng vậy, sau một đoạn đường dài chúng tôi vô cùng hân hoan khi chạm được tới Đức Mẹ, Người vẫn ở đây theo dõi và mong chờ những đứa con của mình ghé đến.
Chặng thứ 14 – “Mọi sự đã hoàn tất” (Ga 19,30)
Đây cũng là chặng cuối cùng của cuộc hành hương, và là nơi cao nhất của ngọn núi. Tại đây, tượng Chúa Giêsu trên Cây Thập Tự được dựng lên một cách vững chãi, giữa không gian trên là trời xanh biếc trong ngần, dưới là biển xanh ngắt bình yên. Khi dứng dưới chân tượng, cảm giác mệt mỏi theo chúng tôi suốt chặng đường dường như không còn nữa. Một phần do độ cao và không khí thoáng đãng, từ vị trí này, chúng tôi còn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh của thành phố Quy Nhơn được bao bọc bởi bờ biển Đông. Phần khác, đặc biệt hơn, là chúng tôi vừa hoàn thành xong hành trình đến cùng Mẹ và Chúa Giêsu. Trời đã tối nên sau khi đọc kinh, chúng tôi vội vã trở về với cùng sự bình an trong lòng mỗi người. Trong những ngày đầu của tháng nhớ về Đức Mẹ này, đặc biệt trong khoảng thời gian khi dịch Covid đang cách ly chúng ta với nhà thờ, chúng tôi được đến cùng Mẹ ở nơi yên tĩnh này thật là một niềm vui và là niềm may mắn mà Mẹ đã thương ban cho chúng tôi. “Mẹ nguồn cậy trông, chưa thấy ai xin Mẹ về không”.
--Nguồn ảnh: Hoàng Phương --Thiết kế ảnh: Oteam