Menu
Nhà thờ Mằng Lăng

Có lẽ cái tên Mằng Lăng đã quá quen thuộc với nhiều người, kể cả người Công giáo và ngoại giáo. Nhà thờ này được biết đến không chỉ nhờ vẻ ngoài cổ kính mà còn nhờ lịch sử lâu đời hơn 120 năm với lối kiến trúc Gothic. Đây là khoảng thời kỳ hưng thịnh nhất của lối kiến trúc này.

Năm 1597, vua Nguyễn Hoàng (chúa Nguyễn đầu tiên của chính quyền Đàng Trong) giao cho Lương Văn Chánh đưa dân vào một số vùng thuộc Phú Yên để khai đất, lập làng. Nhưng mãi đến năm 1629, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Nguyễn thứ 2 của Đàng Trong) mới cho xây dựng Dinh Trấn Biên tại Phú Yên. Sau đó giao cho người con rể là Nguyễn Phúc Vinh làm quan Trấn thủ. Vị quan Trấn thủ này rất mến mộ Đạo ta, nên đã cho vợ cả là Ngọc Liên Công Chúa theo Đạo. Sau thi tòng đạo, bà đã lập một nhà nguyện trong Dinh Trấn Biên, nhiều tín hữu đến đây mỗi ngày và hăng hái tham gia các công việc bác ái cũng như hoạt động truyền giáo. Sau đó có nhiều người đã được rửa tội bởi các nhà truyền Giáo Dòng Tên. Vì vậy, lúc bấy giờ Phú Yên và vùng Trấn Biên này là vùng hoạt động của các nhà truyền giáo.

Sau một chặng đường dài với những thăng trầm trong công cuộc truyền giáo, nửa đầu năm 1888, khi phong trào Văn Thân kết thúc, cha Joseph Lacassagne (Cố Xuân) được cử đến Phú Yên để quản vùng Phú Yên. Lúc ấy, Hoa Vông và Mằng Lăng là hai địa điểm được cân nhắc để làm trụ sở truyền giáo, và cha đã chọn Mằng Lăng. Vừa để ổn định đời sống cho Giáo dân, vừa phục vụ công cuộc truyền giáo, năm 1892, Cha đã khở công xây dựng nhà thờ Mằng Lăng.

Có lẽ cái tên Mằng Lăng đã quá quen thuộc với nhiều người, kể cả người Công giáo và ngoại giáo. Nhà thờ này được biết đến không chỉ nhờ vẻ ngoài cổ kính mà còn nhờ lịch sử lâu đời hơn 120 năm với lối kiến trúc Gothic. Đây là khoảng thời kỳ hưng thịnh nhất của lối kiến trúc này.

Những đặc điểm tiêu biểu của lối kiến trúc này đã được kết hợp hài hòa trong ngôi nhà thờ. Tuy được thiết kế với lối kiến trúc phương Tây nhưng nhà thờ này lại có tên gọi vô cùng thuần Việt. Mằng Lăng là tên gọi của một loại cây quý, mọc rất nhiều qaunh khu vực của nhà thờ nói riêng và xã An Trạch (nơi nhà thờ được xây dựng) nói chung. Tuy bây giờ loại cây này không còn nhiều như trước nữa, nhưng một vài đồ vật làm từ loại cây này vẫn còn ở đây.

Nhiều người ghé thăm nhà thờ Mằng Lăng không chỉ để chiêm ngưỡng nét đẹp cổ kính của một ngôi nhà thờ cổ, mà còn để nhìn lại những hình ảnh và tìm hiểu về thánh Anre Phú Yên. Đây là một trong những Vị thánh tử đạo tiên khởi của Việt Nam, được phong chân phước vào năm 2000. Được rửa tội bởi Linh Mục Alexandre de Rhodes (một trong những người có công lớn trong việc tạo ra chữ Quốc Ngữ). Sau đó ông phụ giúp một số linh mục và các bạn đi truyền giáo ở nhiều nơi. Ông mất vào khoảng năm 1644. Hiện tóc của ông còn được giữ trong khu hầm này.

Khu hầm nằm trong khuôn viên của giáo xứ, phía phải nhà thờ Mằng Lăng.

Lối dẫn vào khu hầm tạo một cảm giác huyền bí cho bất cứ khách tham quan nào. Quanh lối đi có những chân trụ như những khối thạch nhũ.Vì bên trong có những di vật quý nên không gian khá tối và không có nhiều ánh sáng lọt vào để tránh gây hư hại. Ngoài những di vật và các hình ảnh được chụp lại từ ngày xưa, trong khu hầm nhỏ này còn có một nhà nguyện nhỏ với bức tượng của thánh Anre Phú Yên ở chính giữa.

Một trong những điều khiến nhiều người tò mò nhất khi đến đây là Quyển sách đầu tiên được in bằng chữ Quốc Ngữ. Theo một bài viết của báo Tuổi Trẻ, nói về chữ Quốc ngữ, thì các linh mục và giáo sĩ thừa sai Dòng Tên phương Tây là những người đầu tiên tìm hiểu và có công trong việc sáng tạo ra chữ này. Họ đến các nước Châu Á để truyền giáo, vì là những tu sĩ Dòng Tên có trình độ cao nên họ học nói tiếng địa phương rất nhanh, nhưng truyền giáo bằng miệng thì chưa đủ, mà phải có sách vở để người dân có thể đọc và truyền lại cho đời sau. Vì vậy để dễ dàng hơn cho việc truyền giáo tại các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, họ đã tìm hiểu và Latin hóa chữ tượng hình. Sự ra đời của chữ viết này là một quá trình khá dài với sự kết hợp của nhiều người.

Về quyển sách đầu tiên được in bằng Chữ Quốc Ngữ hiện đang được cất giữ tại nhà thờ Mằng Lăng, sách này có tên là “Phép Giảng Tám Ngày” được in vào năm 1651 tại Roma, Ý do linh mục thừa sai Alexandre de Rhodes (hay còn gọi là Đắc Lộ) biên soạn. Quyển sách này được in thành hai cột, bên trái là chữ Latinh, bên phải là chữ Quốc Ngữ.

Trong một số bài viết cho thấy, tuy Linh mục Đắc Lộ không phải là người đầu tiên tạo ra chữ Quốc Ngữ nhưng cũng có công không hề nhỏ trong việc hoàn thiện chữ viết và đặc biệt là quá trình in quyển sách đầu tiên trong giai đoạn việc in ấn còn khó khăn.

Có thể thờ Mằng Lăng là một trong những ngôi thánh đường nổi bật tại Việt Nam nói chung và của Giáo Phận Qui Nhơn nói riêng. Đây là nơi hành hương nổi tiếng và là nơi các giáo xứ, và giáo họ lân cận thường tập trung về mỗi dịp lễ.

Hơn nữa, đây còn là nơi sinh ra vị Thánh Anre Phú Yên – một nhân chứng sống động cho giới trẻ thế giới đã từng được Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II nhắc đến tại Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 17 tại Toronto, 2002. Vượt qua hình ảnh là một ngôi thánh đường, đây còn là dấu mốc lịch sử và nhân chứng cho một thành quả truyền giáo của Đạo chúng ta.

Nhà thờ Mằng Lăng thuộc khu vực xã An Thạch, huyện Tuy An, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 30km về hướng Bắc, di chuyển khoảng 40 phút. Từ trung tâm thành phố, đi thẳng theo QL1A khoảng hơn 30 phút bạn sẽ gặp đường Cầu Lò Gốm. Sau đó rẽ phải, bạn sẽ thấy có bảng chỉ dẫn để đến nhà thờ Mằng Lăng.