Menu
Ra lấy cháo đi cô bác ơi!

Một người phụ nữ đeo hai chiếc khẩu trang chồng lên nhau, bước vội vàng, thoáng dừng lại nhìn ông cụ lom khom, cũng đeo khẩu trang y tế che kín mặt. Bốn mắt nhìn nhau rồi nhanh chóng quay đi, bước nhanh để đứng xa nhau ra. Một anh chàng khác đứng gần đó đang rửa tay sau khi trao một bọc đồ cho người khác, mùi cồn sát trùng xộc lên từ đôi tay của anh. Những người xung quanh cũng bước đi thật nhanh, ánh mắt lo lắng.

Nếu một ai đó chỉ nghe tả cảnh tượng như thế có thể sẽ nghĩ đến tình trạng dịch bệnh Covid-19 hiện nay, nhưng đó lại là khung cảnh rất bình thường, từ ngày này sang ngày nọ, và đã có trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Đó là cảnh tượng ở bệnh viện lao, cái nơi mà bầu không khí để thở cũng trở thành thứ nguy hiểm, ai bước vào cũng muốn bước ra thật nhanh. Một bầu khí có lẽ sẽ ảm đạm vô cùng nếu không có những tấm lòng quảng đại hiện diện ở đó, làm cho bầu khí ấm áp hơn, ấm áp như những chén cháo nghi ngút khói vào buổi sớm.

Những nồi cháo nghi ngút buổi sáng

Khoảng 5 giờ sáng mỗi ngày, có khi lại sớm hơn, trên hành lang các khu A, B, C, khu bệnh nhi của bệnh viện lao Phạm Ngọc Thạch lại vang tiếng gọi: "Ra lấy cháo đi cô chú ơi!". Từ các phòng bệnh, nhiều người vội vã chạy đến vây quanh xe đẩy cháo di động. Người cầm bình thủy, người mang theo tô, người thì chén, có người cầm chiếc ly nhựa cáu bẩn vừa dùng để uống nước, vừa để ăn cháo. Họ chạy nhanh đến để lấy cháo miễn phí cho người thân nằm bệnh. Có những bệnh nhân không có người thân phải tự mình mang vác cả mớ dây nhợ và băng dán lằng nhằng trên người để ra lấy cháo.

Những người phát cháo cũng nhanh chóng lấy không gian để ưu tiên cho những bệnh nhân, người già. Mọi người đến lấy cháo được chào đón vui vẻ, kèm theo lời chúc ăn ngon, hoặc vài lời nhắc nhở phải dùng đồ sạch để đựng cháo. "Cô ăn cháo trắng hay thịt ạ!", "Nồi bên con có tiêu nha, ai hông ăn nhớ nói để con múc riêng", "Ủa rồi tô đâu, cầm cái ly nhựa vầy phỏng sao!", "Trời ơi, đừng có chen mà, phỏng đó!"... Những câu nói như vậy đã thành quen thuộc với bệnh nhân ở đây. Ai ở đây chừng vài ngày là nhớ giờ dậy sớm lấy cháo, có người còn nhớ luôn ngày nào ai phát cháo. Thứ hai thì có mấy chị kia, thứ ba thì có mấy em sinh viên, thứ tư thì có mấy bà sơ ở nhà dòng nào đó bên Công giáo…

Đã từ lâu mọi người cũng chỉ gọi là cháo từ thiện của mấy sơ, chứ cũng chẳng biết rõ là của mấy sơ dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn; cũng không rõ mặt mũi nhóm phát cháo vì họ cũng che khẩu trang kín mặt và đi chia cháo từ sáng sớm, khi ánh sáng còn chập choạng trên những hành lang bệnh viện.

Và tâm tình mến thương

Để kịp có nồi cháo cho chừng 200 đến 300 bệnh nhân vào giấc sớm như thế, các sơ đã bắt đầu công việc nhóm lửa, bắc nồi, vo gạo rồi nấu từ 3 giờ sáng. Còn các cộng tác viên thì rải rác đến sau, mọi người cũng vừa đông đủ lúc nồi cháo đã sẵn sàng để chia ra các xe đẩy, đưa đến các khu trong bệnh viện.

Từ căn nhà nhỏ xíu ở cuối sân bệnh viện, mỗi nhóm hai người, họ đẩy xe tản ra các khu vực của bệnh viện. Có những hôm thiếu người, đành phải có xe đi chỉ một người, thường dành cho các bạn to khỏe, vì xe cháo to nặng. Họ lần lượt đẩy lên ba tầng, ghé từng dãy phòng, lại thêm người ta thường chen lấn giành lấy cháo nên vừa múc cháo vừa "đứng tấn" cho vững. Với nhóm hai người, một múc cháo liền tay cho đám đông đang vây, một chạy đi từng giường bệnh để gởi những bịch sữa chua "nhà làm". Một lúc sau, nghe có tiếng gọi vọng ngang qua khoảng sân rộng: "Bên đó còn dư cháo không, bên này hết rồi!", nếu bên kia vọng lại "Hết rồi!", thì bên này sẽ có vài người buồn tiu nghỉu cầm chén không: "Hôm nay xui quá, không kịp lấy cháo…". Thấy cảnh tượng đó, một anh chàng trẻ tuổi lại xiêu lòng: "Cô chờ tí đi, con quay lại nhà bếp coi còn sót không rồi mang lên đây cho cô”. Thế là anh chàng lại lật đật đẩy xe cháo đã hết veo chạy về lại nhà bếp. Lúc đi cháo đầy thì êm lắm, lúc về nồi rỗng nên nắp, nồi, xe thi nhau kêu loảng xoảng trên suốt chặng đường. Có khi anh chàng cũng buồn buồn vì hết cháo thật rồi, có khi lại hớn hở vét số cháo còn sót lại rồi xách cái xô inox chạy đến chỗ hẹn.

Những người đến lấy cháo thường là bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân. Đa phần họ đều nghèo, hoặc có mấy người không nghèo lắm, có người khá giả cũng tới lấy cháo. Lắm lúc, một vài cộng tác viên cũng khó chịu trong lòng, tâm sự với với vị sơ già. "Họ có tiền, nhưng không mua được đồ ăn an toàn, với lại họ phải chăm người nhà đang bệnh nên không thể đi mua cháo được. Biết mình nấu sạch, an toàn nên họ mới đến lấy. Họ nghèo về sự an toàn con ạ. Trước mặt Chúa ai cũng nghèo cả, nên ai đến với mình thì mình sẵn sàng phục vụ." - vị sơ già nhắn nhủ mấy lời thế đấy. Những cuộc trò chuyện, chia sẻ như thế vẫn thường diễn ra sau khi những nồi cháo đã hết, mọi người quay lại nhà nấu cháo để rửa sạch đồ đạc, băm rau củ, ủ sữa chua cho bữa cháo sáng mai, tranh thủ về cho kịp giờ học, giờ làm.