Menu
Chuyện về

Em đến lúc trưa khi lương thực đã phân phát gần xong. Tôi chỉ nhìn thoáng qua em thôi vì lúc đó vài người tụ tập trước cổng, tôi lo lắng mời mọi người ra về sau khi lấy thông tin qua một cái phiếu. Chỉ chợt chạm đôi mắt em nhưng tôi không sao quên được cái nhìn đó. Em nhìn một cách bần thần vào chỗ lương thực đã phân phát hết, như thể thẫn thờ vì một cái phao cứu sinh đã trôi qua mà không níu được. Lúc đó tôi nhớ em mặc áo dân quân màu xanh, khuôn mặt còn rất trẻ nhưng có nét gì đó vừa đau khổ vừa dằn vặt. Tôi kịp hỏi tên em, là P.

Một tuần sau đó trôi qua và tôi không tìm thấy thông tin liên hệ của em trong hàng trăm tờ thông tin nhận được (em có điền vô một phiếu). Tôi vẫn nhớ em nhưng tôi không thấy đôi mắt đó nữa. Hai tuần sau, tôi cố gắng rà lại tất cả các tin nhắn và phiếu điền, tôi nhắn cho tất cả các số lạ: “Bạn đã nhận được hỗ trợ gì chưa?” Một tin nhắn trả lời: “Dạ con xin cách đây 2 tuần rồi mà chưa nhận được. Con là P ở dưới ghe.” Tôi vội vàng gọi và tôi đã nghe được câu chuyện đằng sau đôi mắt đó.

Em là con trai út trong ba anh em. Anh đầu và anh thứ đã từng học trường Tình Thương Ánh Linh. Anh cả bỏ đi từ Tết vừa rồi không thấy về, anh thứ và người vợ có với nhau một bé nhỏ thì cả hai chia tay và cũng bỏ đi biệt tích, để đứa con lại cho mẹ nuôi. Người mẹ này ở thuê trên một cái ghe, như là tạm coi ghe giùm người ta khi họ về quê. P học hết lớp 7 thì nghỉ, em sớm có gia đình, năm nay em 21 tuổi, có một bé 1 tuổi và người vợ trẻ đang mang thai đứa con thứ hai.

Trước khi dịch ập đến, em được người quen giới thiệu đi phụ ráp sân khấu ca nhạc cho một công ty tổ chức các sự kiện nhỏ ngoài trời. Nhờ vậy mà em đủ chi tiêu để không phải ở ghe với mẹ và cháu nữa, em lên bờ thuê một phòng trọ nhỏ cho cả gia đình. Lúc dịch tới, công việc không còn, tình thế cấp bách nên em đi lượm ve chai ở quận 4, chỉ thị 16 gắt gao thì em đi tới 18h là về. Con nhỏ khóc đòi sữa và vợ bầu chuẩn bị sinh, em tìm mọi cách để sinh tồn, để nuôi hai miệng ăn và em bé sắp chào đời. Nghe người ta nói ở trường này có tặng gạo, thực phẩm, em chạy tới hồ hởi, hai tay bám cổng nhìn vô, nào là gạo, gia vị, đồ khô, rau củ… mắt em sáng lên thèm khát, không phải cho em, nhưng là cho những người thân yêu.

Tôi nhìn em và tôi muốn rơi lệ. Em trẻ lắm, hôm qua em còn theo người chú quen đi tháo ráp sân khấu kiếm chút tiền sinh hoạt, hôm nay em đã lang thang khắp ngõ hẻm lượm lặt những thứ người ta bỏ đi. Thật ra em cũng đã quen vì từ nhỏ đã đi khắp nơi bán vé số, vé dò. Đó là tuổi thơ cực khổ mà hai người anh vừa mới lớn đã vội trốn tránh.

Người ta sẽ nói rằng, điều mà tôi đã đọc đâu đó trên mạng xã hội, còn trẻ và chưa ổn định, tại sao lại cưới chồng lấy vợ và sinh con. Có con nhỏ trong thời đại dịch, để chúng đói khát vất vưởng, cha mẹ chẳng phải ích kỷ lắm sao? Tôi không thể trả lời được câu hỏi này cho hợp lẽ của những người đặt ra nó. Tôi chỉ biết, khi nhìn vào đôi mắt em, tôi đã thấy một chàng trai trẻ, khao khát vươn lên và sống thật lương thiện, có lẽ chạy việc vặt khắp nơi mong góp chút vốn, rồi cũng sẽ đi học một cái nghề, trở thành chỗ dựa cho tổ ấm nhỏ - một hạnh phúc và một động lực khiến người con trai xuất thân từ một hoàn cảnh quá khó khăn biết nâng niu trách nhiệm và tình yêu để thay đổi cuộc đời.

Nếu đại dịch không tới, nếu có ai đó hiểu và nâng đỡ em nhiều hơn từ những năm tháng mới vào đời mưu sinh trên những chiếc ghe ở thuê làm mướn, thì em có thể đã rất khác, đã chờ đợi đủ để lấy vợ sinh con, đã hiên ngang hơn giữa thời khủng hoảng, đã không phải đi xin từng bao gạo gói mì… Cuộc sống không tiên đoán được, nhưng có ai dám nói người con trai này không đủ can đảm hay không biết yêu thương, bởi vì qua đôi mắt em nhìn tôi khi nhận những phần quà cho gia đình và cho cả người mẹ với đứa cháu dưới ghe, em vẫn tràn đầy niềm hy vọng, lòng biết ơn chân chất đầy ngỡ ngàng và sung sướng khi được giúp đỡ.

Xin đừng phán xét người nghèo, rất nhiều người đã làm tất cả những gì có thể trước khi phải đèo nhau ba, bốn người trên chiếc xe máy cọc cạch về quê, rất nhiều người đã lục từng bao rác trước các hiên nhà để tìm từng cái chai cái nắp trước khi đứng đó bối rối xin một ký gạo… Chỉ là, họ có một xuất thân rất khác mà nếu lần theo đến tận nguồn, ta cũng chẳng trả lời nổi nghèo đói đến từ đâu, chỉ biết giữa mùa đau thương này, họ không thiếu tình yêu và sự hy sinh dành cho những người quan trọng nhất đời họ, là cha, là mẹ, là chồng, vợ, là con cái, anh chị em trong gia đình. Vì vậy, nếu không thể nói một lời an ủi, xin đừng buông lời chỉ trích đắng cay.

Bài viết và Hình ảnh : Bình Tâm
Thiết kế : Nguyễn Linh